Tuy nhiên, bạn có biết không? Những chai nước rỗng tưởng chừng vô dụng này thực chất lại có tác dụng rất lớn. Chỉ cần một chút biến tấu, chúng có thể phát huy tác dụng không ngờ trong cuộc sống hàng ngày. Hôm nay, hãy cùng khám phá vài mẹo nhỏ để tái chế những chai nhựa rỗng này nhé!
Dùng để lưu trữ ngũ cốc
Nhiều gia đình thường dự trữ các loại ngũ cốc như đậu đỏ, đậu xanh, đậu nành, đậu đen... Các loại ngũ cốc này khô nên cần được bảo quản tốt để tránh bị ẩm mốc hoặc bị mối mọt. Nhiều người thường bảo quản bằng cách để nguyên trong túi rồi buộc chặt miệng túi, tuy nhiên khi cần dùng lại phải mở ra, có thể làm rách túi khiến ngũ cốc rơi vãi.
Để dễ dàng hơn, bạn có thể sử dụng chai nhựa. Đầu tiên, rửa sạch và cắt phần trên của chai, sau đó chụp phần trên của chai vào miệng túi đựng ngũ cốc, để phần túi nhô ra qua miệng chai. Sau đó, bạn vặn nắp chai lại là xong. Khi cần dùng, chỉ cần mở nắp chai, lấy lượng ngũ cốc vừa đủ, rồi lại vặn chặt nắp để bảo quản, rất tiện lợi mà không lo ẩm mốc.
Biến thành giá phơi tất
Sau khi giặt quần áo, nhiều người gặp khó khăn trong việc phơi tất vì chúng dễ bị rơi khi gió thổi mạnh. Nếu không có đủ kẹp, bạn có thể tận dụng chai nhựa để làm giá phơi tất rất tiện lợi. Đầu tiên, rửa sạch và cắt bỏ hai đầu của chai để tạo thành một ống tròn.
Sau đó, dùng kéo cắt ống tròn thành các dải nhỏ theo kiểu xoắn ốc. Bạn có thể điều chỉnh độ rộng của từng dải để chúng đều nhau. Cắt xong, dùng kéo làm mịn các cạnh sắc để không làm rách tất và tránh cắt phải tay. Cuối cùng, bạn cuộn ống nhựa lên móc phơi đồ, cố định hai đầu bằng băng keo. Giờ đây, bạn có thể luồn từng đôi tất vào các dải nhựa này, một móc có thể phơi được hàng chục đôi tất mà không lo bị rơi.
Chế tạo dụng cụ rửa nồi
Miếng cọ nồi thường xuyên sử dụng nhưng hay bám bẩn, nếu cầm trực tiếp dễ khiến tay bị dính dầu mỡ và nước. Để khắc phục, bạn có thể tận dụng chai nhựa để tạo dụng cụ rửa nồi an toàn, sạch sẽ hơn. Đầu tiên, dùng kéo cắt chai nhựa từ khoảng 1/3 chiều cao chai, giữ lại phần đầu chai và bỏ phần đuôi.
Tiếp theo, tháo nắp chai và đục hai lỗ nhỏ trên nắp, đủ để luồn dây qua. Chuẩn bị một miếng cọ nồi mới và một sợi dây bền chắc, chẳng hạn dây xách từ túi quà. Luồn dây qua miếng cọ nồi, sau đó kéo hai đầu dây qua miệng chai, để miếng cọ nồi nằm ở giữa chai. Tiếp tục luồn hai đầu dây qua lỗ trên nắp chai và vặn chặt lại, rồi buộc chặt hai đầu dây.
Khi cần dùng, bạn chỉ cần cầm vào phần miệng chai và thao tác rửa sẽ tiện lợi hơn nhiều mà không cần chạm trực tiếp vào miếng cọ. Sau khi dùng, bạn có thể treo dụng cụ lên vòi nước hoặc móc treo để miếng cọ tự ráo nước, tiện lợi và vệ sinh.
Hãy thử áp dụng ngay những mẹo này để tái chế chai nhựa và giúp cuộc sống hàng ngày của bạn dễ dàng hơn nhé!
Hạ Tú (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)