Mì chính
Còn gọi khác là bột ngọt - một sản phẩm được làm ra trong quá trình lên men từ các nguyên liệu tự nhiên như mật mía đường, tinh bột ngũ cốc (khoai mì).
Mì chính là gia vị được sử dụng phổ biến, tính an toàn của mì chính đã được nhiều tổ chức y tế uy tín trên thế giới nghiên cứu, đánh giá và đưa ra kết luận, đây là một gia vị an toàn trong chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, nó có thể biến đổi thành chất gây hại ở nhiệt độ 300 độ C (nhiệt độ nấu ăn thông thường chỉ đạt đến khoảng 260 độ C).
Thành phần chính của mì chính là glutamate, một loại axit amin phổ biến giúp cấu tạo nên chất đạm (protein) trong cơ thể sống. Mì chính có vị umami (vị ngọt), tăng vị ngon cho thực phẩm, giúp ăn ngon miệng hơn. Mì chính không phải nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ hay gây ung thư.
Một số người người loại bỏ mì chính ra khỏi bếp ăn gia đình vì lo lắng mắc bệnh, chóng mặt, khô miệng, buồn nôn… hay mọi người thường gọi tình trạng này là “say mì chính”. Đây là hội chứng khá phổ biến khi cơ thể nhạy cảm với mononatri glutamate (MSG), gây ra một hoặc nhiều triệu chứng như trên.
Hội chứng say mì chính có thể kéo dài vài phút cho đến cả tiếng đồng hồ, cá biệt có người bị triệu chứng nặng tới vài ngày. Vì thế, những người mẫn cảm với mononatri glutamate không nên dùng mì chính hoặc sử dụng ít trong chế biến thực phẩm.
Hạt nêm
Hạt nêm chứa nhiều nguyên liệu trong thành phần, trong đó thành phần không thể thiếu là bột ngọt (chất điều vị 621) và 2 chất điều vị 627 và 631 (còn gọi là chất siêu bột ngọt với độ ngọt gấp 10 – 15 lần bột ngọt thông thường).
Vị ngọt của hạt nêm chủ yếu là từ các chất điều vị này chứ không đến từ “xương hầm và thịt” như thường được quảng cáo (nếu có thì là bột thịt chứ không phải được cô đặc từ nước hầm xương và thịt vì như thế thành phẩm sẽ rất mau hư, khó bảo quản ở nhiệt độ thường).
Cả 3 chất điều vị 621, 627 và 631 đều nằm trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm, nhưng nếu dùng quá nhiều thì cũng không thực sự tốt cho sức khỏe, có thể gây những tác dụng phụ khó lường.
Nên dùng hạt nêm hay bột ngọt?
Nếu chỉ xét về yếu tố dinh dưỡng thì bột ngọt và hạt nêm đều không cần thiết để bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày.
Hạt nêm thực sự không tốt hơn bột ngọt, vì bản thân nó cũng chứa bột ngọt (mì chính) trong thành phần, và cả các chất siêu bột ngọt.
Tốt nhất người tiêu dùng nên hạn chế cả 2 loại. Nhưng nếu vẫn dùng thì cần cân nhắc:
So với hạt nêm thì bột ngọt có vẻ “tự nhiên” hơn nhiều khi xem xét thành phần nguyên liệu. Hạt nêm với thành phần “phức tạp” hơn thì người tiêu dùng càng khó nắm bắt và kiểm soát hơn về tính an toàn.
Khi dùng hạt nêm, ngoài tạo vị ngọt cho món nấu thì nó còn cộng thêm vị mặn. Dùng nhiều hạt nêm có thể khiến người dùng bỏ qua thói quen nêm nếm thêm muối ăn, từ đó lâu dần rất dễ dẫn đến thiếu hụt i-ốt.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)