Du lịch Việt Nam phục hồi thần tốc sau đại dịch
Sự phục hồi của lượng khách du lịch quốc tế khi Việt Nam mở cửa trở lại sau dịch được thúc đẩy bởi lượng du khách từ Hàn Quốc và Mỹ, tiếp đó là Trung Quốc sau khi nước này từ bỏ chính sách “Zero COVID” vào năm 2023.
Việt Nam cũng nới lỏng các yêu cầu về thị thực du lịch vào năm ngoái, giúp tăng doanh thu của các công ty liên quan đến du lịch trong năm nay. Doanh thu của các công ty dịch vụ lữ hành trong nước tăng gần 50% so với cùng kỳ trong tháng 5 đầu năm 2024 và giá cổ phiếu của Vietnam Airlines (HVN) và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - nhà điều hành sân bay hàng đầu cả nước - lần lượt tăng gần 200% và hơn 100% so với đầu năm. Trong khi đó, giá cổ phiếu của hãng hàng không giá rẻ VietJet (VJC) không thay đổi nhiều trong năm nay, một phần do giá cổ phiếu của hãng này tăng trước thời điểm Việt Nam mở cửa trở lại sau dịch COVID-19.
Nhìn lại, có thể thấy du lịch Việt có bước phục hồi thần tốc sau đại dịch (Ảnh minh họa).
Việt Nam 'vượt mặt' cả Đông Nam Á, vươn lên trở thành ngôi sao sáng trên bản đồ du lịch toàn cầu
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, ngành du lịch Việt Nam đã ghi dấu ấn không thể phai mờ khi đạt 17,6 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, phục hồi 98% so với năm 2019, con số cao nhất trong khu vực. Trong khi đó, các cường quốc du lịch khác như Thái Lan (88%), Singapore (86%), Philippines (72%) vẫn đang vật lộn để tìm lại thời kỳ hoàng kim trước đại dịch.
Đặc biệt, lượng khách từ Trung Quốc tăng gần 300%, trong khi lượng tìm kiếm chỗ ở tại Phú Quốc tăng 266%, biến hòn đảo này thành điểm nóng chưa từng có trên bản đồ du lịch châu Á. Không dừng lại ở đó, Việt Nam cũng chính thức vượt qua Singapore để trở thành điểm đến có lượng khách quốc tế lớn thứ ba Đông Nam Á, chỉ xếp sau Thái Lan (35 triệu) và Malaysia (24,5 triệu).
Đây không chỉ là sự hồi sinh mạnh mẽ sau cú sốc đại dịch mà còn là một cú lột xác ngoạn mục, đưa Việt Nam vào nhóm những quốc gia có tốc độ phát triển du lịch thần tốc nhất thế giới.
(Ảnh minh họa)
Không chỉ đón lượng khách khổng lồ, Việt Nam còn chứng kiến sự trỗi dậy của hai xu hướng du lịch cực kỳ tiềm năng: du lịch bền vững và du lịch xa xỉ. Theo báo cáo từ Agoda, Việt Nam và Malaysia đang dẫn đầu Đông Nam Á về du lịch xanh. Các thành phố như Đà Nẵng, Nha Trang, TP.HCM đều lọt vào top 10 điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn nhất khu vực. Điều này cho thấy khách quốc tế ngày càng ưu tiên các trải nghiệm thân thiện với môi trường và những địa điểm nghỉ dưỡng có cảnh quan tự nhiên hoang sơ.
Song song đó, du lịch cao cấp cũng đang bước vào giai đoạn hoàng kim. Trong năm 2024, hơn 10 đám cưới tỷ phú Ấn Độ đã được tổ chức tại các khu nghỉ dưỡng sang trọng của Vinpearl, giúp Việt Nam được nhắc đến trên bản đồ du lịch xa xỉ toàn cầu. Đặc biệt, những khu resort tại Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang đang thu hút lượng lớn du khách thượng lưu sẵn sàng chi hàng chục nghìn USD cho một kỳ nghỉ dưỡng đẳng cấp.
Xu hướng này không chỉ giúp Việt Nam gia tăng doanh thu mà còn giúp đất nước này định vị mình là điểm đến sang trọng, thu hút nhóm khách hàng có mức chi tiêu cao mà không gây áp lực quá lớn lên hạ tầng du lịch.
Việt Nam đang dần khẳng định vị thế của mình là trung tâm du lịch hàng đầu Đông Nam Á, với mục tiêu 22-23 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2025. Với đà tăng trưởng mạnh mẽ này, không quá khi nói rằng Việt Nam đang bỏ xa cả Đông Nam Á trong cuộc đua du lịch hậu Covid-19.
T.San (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)