Theo danh sách dự kiến về tên gọi và trung tâm chính trị - hành chính của 34 tỉnh, thành phố mới được đề xuất sau khi thực hiện sáp nhập theo Nghị quyết số 60 của Hội nghị Trung ương 11, Hải Phòng và tỉnh Hải Dương sẽ 'về chung một nhà', với tên gọi là TP Hải Phòng. Trung tâm chính trị - hành chính của địa phương mới này sẽ đặt tại Hải Phòng.
Cả Hải Phòng và Hải Dương đều được biết đến là những địa phương sở hữu tiềm năng lớn về du lịch, đặc biệt là lĩnh vực ẩm thực. Vì vậy, thông tin về việc sáp nhập giữa hai địa danh này nhanh chóng thu hút sự quan tâm và tạo nên không khí hào hứng trong cộng đồng, nhất là với những người yêu ẩm thực.
Nhiều người dân và du khách truyền tai nhau danh sách những món đặc sản trứ danh “nhất định phải thử” khi hai địa phương chính thức trở thành một thể thống nhất.
Sau khi sáp nhập, TP Hải Phòng không chỉ nổi bật với những món ăn “độc lạ” đậm hương vị biển mà còn được “tiếp sức” bởi các đặc sản “trời ban” từ Hải Dương như rươi, cua lông, vải thiều Thanh Hà - loại quả từng được “xuất ngoại” và chinh phục thị trường quốc tế.
Hiện tại, TP trực thuộc trung ương nhỏ nhất Việt Nam là Đà Nẵng. Nhưng sau khi dự kiến sáp nhập, Hải Phòng sẽ là TP trực thuộc Trung ương có diện tích nhỏ nhất Việt Nam (Ảnh minh họa).
Vải thiều Thanh Hà
Bên cạnh đặc sản rươi nổi tiếng đã được xuất khẩu sang Trung Quốc, Hải Dương còn tự hào với vải thiều Thanh Hà - loại trái cây ngon nức tiếng và được xem là niềm tự hào của địa phương. Loại quả này được trồng chủ yếu tại những vùng đất ven sông có lượng phù sa màu mỡ dồi dào, nhờ đó mang đến chất lượng vượt trội, khác biệt hoàn toàn so với các giống vải ở những vùng miền khác.
Vải thiều Thanh Hà không chỉ được ưa chuộng tại thị trường trong tỉnh và vận chuyển đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước mà còn được xuất khẩu đến nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Anh, các nước EU…
(Ảnh minh họa)
Giá bể xào
Giá bể xào là một trong những đặc sản thơm ngon, nổi tiếng của Hải Phòng nhưng không phải ai cũng đủ can đảm thưởng thức, đặc biệt là những người có cơ địa dễ dị ứng. Món ăn này có độ sền sệt đặc trưng từ bột dong, đôi khi được thay thế bằng bột mì hoặc bột năng pha loãng. Màu vàng bắt mắt của nghệ tạo nên lớp áo hấp dẫn cho món ăn, trong khi phần chân giá bể được tách riêng, còn phần thân vẫn giữ nguyên vỏ để giữ lại trọn vẹn hương vị biển cả.
Bên cạnh đó, thịt chuột đồng cũng là một món ăn “độc lạ” không kém, gắn bó với người dân tại nhiều huyện của Hải Phòng như Kiến Thụy, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng. Với người dân địa phương, thịt chuột đồng có thể chế biến thành nhiều món khác nhau, song phổ biến và được ưa chuộng nhất vẫn là chuột luộc. Cách làm này không cầu kỳ, giữ nguyên được vị ngọt tự nhiên của thịt, thường được chấm cùng nước mắm gừng, thêm ớt cay hoặc đơn giản hơn là muối ớt chanh.
Một món ăn khác cũng khiến nhiều người không khỏi tò mò là ruốc sông. Loại ruốc nhỏ bé này tuy có vẻ ngoài lạ mắt nhưng lại là nguyên liệu quen thuộc trong bữa cơm gia đình ở Hải Phòng. Ruốc có thể kho, rang nhưng ngon và phổ biến nhất vẫn là ruốc sốt cà chua hoặc rim, nấu canh ăn cùng cà chua, kết hợp với rau sống. Sau khi được rây, lọc và rửa sạch nhiều lần bằng nước, ruốc sẽ được vắt khô, rồi phi thơm cùng hành khô, nấu với cà chua, nêm nếm gia vị vừa miệng, thêm vào một chút lá gừng hoặc gừng thái sợi, khế chua thái nhỏ và rau răm.
(Ảnh minh họa)
Chả rươi
Tại Hải Dương, rươi được xem là đặc sản “trời ban” bởi loài thủy sinh này chỉ xuất hiện trong tự nhiên và thời gian thu hoạch mỗi năm rất ngắn, chỉ kéo dài khoảng từ một đến hai tháng. Trong số các địa phương có rươi, xã An Thanh thuộc huyện Tứ Kỳ được đánh giá là nơi có sản lượng lớn nhất và chất lượng vượt trội. Rươi của vùng đất này không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được xuất khẩu sang Trung Quốc, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho người dân và lan tỏa danh tiếng của đặc sản địa phương ra thị trường quốc tế.
Cua lông, còn được gọi với cái tên dân dã là cà ra, cũng là một trong những đặc sản đặc trưng của Hải Dương được nhiều người biết đến. Loại cua này có đặc điểm nhận dạng dễ nhớ: ở phần đầu càng mọc lên một nhúm lông mềm mịn như nhung, tạo nên vẻ ngoài đặc biệt và cái tên độc đáo cho loài thủy sản này. Mùa cua lông kéo dài khoảng ba tháng, thường rơi vào giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch.
Khác với các loài cua thông thường, cua lông chỉ sống trong môi trường nước ngọt tự nhiên, sinh trưởng chủ yếu ở các con sông lớn. Một trong những khu vực nổi tiếng về nguồn cua lông phong phú nhất của tỉnh là khu ven đê sông Thái Bình, thuộc huyện Thanh Hà - nơi được xem như “thủ phủ” cua lông của Hải Dương.
(Ảnh minh họa)
T.San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)