Giá bán đất ven Hà Nội đã tăng từ 30% đến 80% trong hai tháng đầu năm 2025, chẳng hạn như ở Quốc Oai tăng 74%. Điều này chứng tỏ rằng mặt bằng giá đất của khu vực ven vẫn có xu hướng tăng trưởng tích cực sau một năm. Nhưng sự quan tâm đến đất nền không tăng tương ứng, thậm chí không có dấu hiệu giảm nhẹ.
Theo thống kê đất nền vùng ven Hà Nội tăng từ 30% đến 80% (Ảnh minh họa).
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng có một số nguyên nhân dẫn đến xu hướng này: "Trước hết, mặt bằng giá đất tại vùng ven Hà Nội đã tăng liên tục trong những năm qua, khiến nhiều nhà đầu tư và người mua có tâm lý chờ đợi, quan sát thị trường trước khi quyết định. Bên cạnh đó, thời gian qua, sau thông tin về kế hoạch dự kiến sáp nhập một số tỉnh, các nhà đầu cơ có xu hướng tìm kiếm cơ hội ở những khu vực tỉnh thay vì tập trung vào đất nền lân cận Thủ Đô như trước đây."
Ngay sau khi tin tức về sáp nhập xuất hiện, nhu cầu tìm kiếm bất động sản tại những địa phương liên quan đã tăng đáng kể, phản ánh sự quan tâm của nhà đầu tư. Dữ liệu lớn của Batdongsan.com.vn cho thấy mức độ quan tâm tại các khu vực như Nhơn Trạch ghi nhận mức tăng 41%, Thuận An (Bình Dương) và Dĩ An (Bình Dương) lần lượt tăng 26% và 23%.
Giá bất động sản tại các khu vực này cũng có dấu hiệu tăng, nhưng không đồng đều. Bình Dương duy trì xu hướng tăng trưởng ổn định, cho thấy sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, tại Nhơn Trạch và Bà Rịa Vũng Tàu, giá đã tăng 20-30%, tiệm cận mức đỉnh của năm 2022 – thời điểm nhiều nhà đầu tư lớn thoát hàng. Điều này đặt ra câu hỏi về khả năng thị trường đang bị đẩy lên quá nhanh và tiềm ẩn nguy cơ điều chỉnh.
(Ảnh minh họa)
Theo ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan.com.vn, giai đoạn này tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt với những nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Giá bất động sản không chỉ phụ thuộc vào thông tin sáp nhập mà còn chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khác như hạ tầng, vị trí, nhu cầu việc làm, nhập cư, và nền tảng kinh tế địa phương. Ông khuyến nghị người mua và nhà đầu tư cần lưu ý các rủi ro: quy hoạch có thể thay đổi hoặc việc sáp nhập diễn ra chậm hơn dự kiến; nguy cơ mua vào với giá cao hơn giá trị thực, đặc biệt tại các khu vực tăng nóng.
Chuyên gia lưu ý thêm rằng: "Sáp nhập là cơ hội lớn, nhưng cần tỉnh táo mua đúng nơi, đúng thời điểm, tránh chạy theo tâm lý đám đông".
A.Dương (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)