Theo quan niệm từ xưa, nhà cửa phải sạch sẽ trước khi bắt đầu năm mới. Tuy nhiên, dọn nhà cuối năm như thế nào, vào thời điểm nào cho hợp phong thủy và không phạm phải những điều đại kỵ ảnh hưởng đến tài lộc của cả gia đình trong năm mới thì không phải ai cũng biết.
Dọn nhà đón Tết thường diễn ra vào khoảng thời điểm nào?
Theo quan niệm từ xưa, nhà cửa phải sạch sẽ trước khi bắt đầu năm mới.
Truyền thống dọn nhà để đón Tết tại Việt Nam thường diễn ra trong khoảng thời gian từ cuối tháng Chạp (tháng cuối cùng trong lịch Âm) cho đến trước ngày mùng một Tết Nguyên đán. Theo văn hóa Việt, may mắn phúc lộc sẽ gõ cửa những ngôi nhà gọn gàng sạch sẽ, ngăn nắp vào dịp đầu năm. Nên gia chủ cần phải chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa vào cuối năm trước ngày 23 tháng chạp – ngày ông Công, ông Táo về trời.
Dọn nhà ngày Tết lý tưởng nhất
Hai tuần trước Tết – Dọn nhà tổng quan:
Quét dọn và lau chùi: Bắt đầu quét dọn và lau chùi các khu vực trong nhà, bao gồm phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp và nhà vệ sinh. Loại bỏ bụi bẩn và tạo không gian sạch sẽ cho căn nhà.
Sắp xếp và làm sạch tủ đồ: Kiểm tra và sắp xếp tủ quần áo, tủ đồ và tủ sách. Vứt bỏ những đồ không còn sử dụng hoặc hỏng hóc và dọn sạch tủ cho ngăn nắp.
Sửa chữa và bảo dưỡng: Kiểm tra các thiết bị như đèn, quạt, máy lạnh, máy giặt, tivi để sửa chữa nếu cần thiết. Đảm bảo tất cả các thiết bị hoạt động tốt và an toàn.
Phân loại đồ cũ: Loại bỏ những đồ đã cũ hoặc không sử dụng nữa. Có thể bán, cho đi, hoặc tái chế những đồ này để tạo không gian cho năm mới.
Một tuần trước Tết – Dọn nội thất:
Dọn dẹp phòng khách: Lau chùi bề mặt bàn, ghế, kệ sách và tủ trưng bày. Tạo không gian thoáng đãng bằng cách thay đổi cách bố trí nội thất, xếp gọn sách, tạp chí và đồ trang trí.
Dọn dẹp phòng ngủ: Thay ga trải giường mới và dọn dẹp chăn, gối.
Dọn dẹp nhà bếp: Rửa sạch bát đĩa, nồi chảo và đồ dùng nhà bếp. Lau chùi bề mặt bàn, đảo bếp và tủ chứa đồ.
Hai ngày giáp Tết – trang trí nhà cửa:
Đặt cây mai và cây đào, cây quất ở vị trí trung tâm như phòng khách hoặc sảnh chính. Đây chính là biểu tượng của sự thịnh vượng và may mắn trong năm mới.
Treo câu đối và bảng phù điêu tại các cửa chính trong nhà. Câu đối thường được viết trên giấy đỏ và mang thông điệp tốt lành hoặc chúc mừng năm mới.
Sắp xếp mâm ngũ quả gồm bưởi, cam, quýt tại bàn thờ tổ tiên hoặc các vị trí quan trọng trong nhà. Mâm ngũ quả không chỉ thể hiện sự trang trọng mà còn giúp ngôi nhà mang không khí Tết.
Treo đèn lồng và đèn trang trí tại các điểm nhấn trong nhà, chẳng hạn như sân thượng, cửa sổ hoặc trên cây mai và cây đào. Đèn lồng tạo ra không gian lãng mạn và trang trọng.
Các khu vực thường được chú trọng dọn dẹp và trang trí ngày Tết
Cửa ra vào: Trang trí Tết dường như đã là một nét truyền thống của người Việt Nam ta và trang trí cửa ra vào đóng một vai trò rất quan trọng. Theo phong thủy, cửa ra là nơi nạp khí cho căn nhà, cánh cửa mở ra, tựa như lời mời gọi tài khí, cát khí vào nhà. Cửa chính là nơi đón đầu các luồng khí tốt, vì vậy nếu bạn không trang trí cũng như bố trí cánh cửa hợp lý thì sẽ rước các luồng khí xấu vào nhà, sẽ gây ra những điều không may cho ngôi nhà của bạn. Bạn hãy giữ thói quen mỗi ngày mở cửa chính ít nhất 1 lần để mời gọi năng lượng tốt. Việc này sẽ giúp không khí trong nhà được lưu thông, tác động tốt đến sức khỏe, tài lộc, may mắn của người trong gia đình.
Ngoài ra, nếu khu vực mặt tiền căn nhà hay cửa trước hay bị bẩn hoặc có vũng nước đọng thì tốt nhất nên sắp xếp thời gian xử lý, bởi nước đọng là “tử thủy”, tài lộc không sinh sôi mà ứ đọng, chết đi, không tốt cho tài vận của gia đình.
Bàn thờ gia tiên: Vào dịp Tết, bàn thờ cũng phải được lau chùi sạch, sắp xếp đồ trên bàn thờ gọn gàng và trang hoàng lại để chào đón ông bà về ăn tết cùng con cháu.
Tủ bếp và tủ chén: nơi làm ra những món ăn ngon để thờ cúng và đãi khách dịp Tết nên cần được vệ sinh sạch sẽ gọn gàng. Các dụng cụ ăn uống như đũa và chén không lành lặn cũng nên được thay để tránh xui xẻo trong năm mới.
Các bề mặt kính: thường bao gồm cửa kính, cửa sổ, vách ngăn,… Đây là những phần dễ nhìn thấy khi khách đến thăm nhà. Do đó nên lau chùi sáng bóng để đảm bảo nhà cửa sạch đẹp tươm tất.
Tủ quần áo: Bạn sẽ thường sắm sửa thêm nhiều quần áo mới để đi chơi vào ngày Tết. Do khối lượng đồ sẽ rất nhiều, bạn nên soạn ra những chiếc áo quần ít mặc hoặc không mặc nữa để cất đi.
Bộ bàn ghế: ghế sofa hoặc bộ bàn ghế gỗ luôn là khu vực được chăm sóc đặc biệt vào dịp Tết. Vì đây là nơi khách đến chơi và quây quần quanh đó.
Hoàng Anh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)