Thứ nhất: Không cho vay hương hỏa
Duy trì hương hỏa có nghĩa là gì? Có nghĩa là người đời sau thắp hương đốt nến để tế bái tổ tiên, tức là có người nối dõi, thừa kế. Ai cũng biết, trong văn hóa truyền thống của một số nước phương Đông rất coi trọng việc nối dõi hương hỏa. Người xưa có câu: "Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại" (Tạm dịch: Trong 3 kiểu bất hiếu thì không có hậu duệ là việc bất hiếu nhất).
Một gia đình, một gia tộc, nếu hương hỏa bị đứt đoạn, không người nối dõi vậy thì sẽ bị coi là một gia tộc thất bại, là sự nhục nhã của cả gia tộc. Người thời xưa coi con trai còn quý hơn cả vàng ngọc, nối dõi tông đường là chuyện đại sự số một của đời người. Thời xưa, nhà nhà đều có bàn thờ hương hỏa, nếu đã lập gia đình mà không có bàn thờ hương hỏa thì sẽ bị người đời sỉ vả, những người thuê nhà như vậy sẽ bị chủ nhà đuổi đi.
Cho dù là ngày nay, ở nông thôn nay thành thị, dường như mỗi nhà đều có bàn thờ hương hỏa, hay từ đường nghiêm trang để thờ phụng tổ tiên. Hương hỏa trong từ đường không được tắt, mỗi ngày đều phải có người tới thắp nhang, điều này có nghĩa là một gia tộc đời đời không bao giờ bị diệt vong, hương hỏa nối tiếp, không bao giờ ngừng.
Thế nên, trong văn hóa của một số nước phương Đông, không có con trai bị coi là không có người nối dõi hương hỏa. Trong quá khứ, khi quan hệ giữa người với người xảy ra các xung đột và mâu thuẫn, điều cay nghiệt nhất mà người ta nói chính là sẽ dập tắt hương hỏa nhà người khác. Chỉ một câu nói này thôi đã dấy lên sự phẫn nộ cực độ của mọi người. Vì tầm quan trọng của hương hỏa nên người xưa mới nói: “Hương hỏa không được vay mượn bên ngoài”.
Trong quá khứ, đặc biệt là ở vùng nông thôn, rất nhiều gia đình đều đốt củi, khi nấu cơm nhiều lúc không nhóm được lửa sẽ chạy sang nhà hàng xóm xin lửa. Về việc xin lửa, đặc biệt là vào ngày mùng 1 Tết là điều cấm kỵ, vì đây là ngày đầu tiên của năm mới. Thậm chí vào ngày đặc biệt như thế này, ngay cả rác cũng không được đổ ra ngoài. Thông thường đều phải chờ hết Tết mới được đổ rác hay quét rác ra ngoài.
Thứ hai: Không vay mượn ấm sắc thuốc
Ấm sắc thuốc gắn liền với bệnh tật. Thế nên, người hay ốm yếu bệnh tật thường được so sánh như ấm sắc thuốc. Ví dụ như Lâm Đại Ngọc trong “Hồng Lâu Mộng” do cơ thể ốm yếu hay bệnh nên bị ví như ấm sắc thuốc. Do gắn liền với hình ảnh không may mắn như bệnh tật nên rất nhiều người thường kiêng kỵ vật này. Vì thế, trong dân gian thường nói không nên vay mượn ấm sắc thuốc.
(Ảnh minh họa)
Nguyên nhân cụ thể có thể được lý giải theo những điểm sau: Đầu tiên, trong quá khứ, tư tưởng của mọi người vẫn còn khá cổ hủ, phong kiến. Mọi người cho rằng nếu mượn ấm sắc thuốc của người khác tức là đang “xin bệnh” về mình. Từ xưa tới nay, người ta thường rất kiêng kỵ bệnh tật, bệnh tật gắn liền với cái chết.
Nếu một ai đó không may nhiễm bệnh, trong thời đại y học không phát triển như thời xưa thì chỉ cần cảm cúm, phong hàn nhẹ thôi đều có thể là một đòn chí mạng đối với họ. Thế nên mọi người đều rất sợ hãi bệnh tật. Vì thế, mượn ấm sắc thuốc của người khác trở thành một điều cấm kỵ.
Thứ ba: Không vay mượn nhà
Người phương Đông đều rất coi trọng nhà ở, có thể coi đó như là vị trí hàng đầu. Người phương Đông coi quan hệ huyết thống làm chế độ cha truyền con nối, nhấn mạnh quan hệ gia đình, tông tộc. Còn nhà ở chính là nền tảng quan trọng đảm bảo sự hạnh phúc của một gia đình. Vì thế, từ xưa tới nay, người phương Đông thường coi nhà ở là thứ to lớn nhất, có biết bao nhiêu người cố gắng phấn đấu miệt mài vì muốn có một ngôi nhà của riêng mình.
(Ảnh minh họa)
Nhà chính là hòn đá nặng đè trong lòng của mỗi người. Biết bao nhiêu người bất chấp tất cả chỉ để mua được một căn nhà. Vì thế mới nói, nhà là thứ quan trọng nhất. Người ta nói không vay mượn nhà cửa, ngoài việc đó là thứ vô cùng quan trọng ra thì còn nằm ở vấn đề đen tối trong nhân tính con người. Người ta thường nói, lòng người khó đoán, tham lam, ích kỷ là bản tính của con người.
Đầu tiên, nhà là nơi cư trú quan trọng nhất trong cuộc sống thường ngày của mọi người, nếu cho người khác mượn thứ đồ quan trọng nhất của mình, thể hiện được sự hào phóng, nhân hậu của mình, nhưng không phải ai cũng là quân tử chính trực, trên thế gian này, có người tốt đương nhiên cũng có kẻ xấu. Nếu cho người khác mượn nhà thì có khả năng bạn đã dẫn sói vào nhà.
Thứ hai, có một số người nhân phẩm không đoan chính, ở nhờ lâu dần sẽ cảm giác tất cả đều là lẽ đương nhiên, cho rằng “căn nhà cũng có một phần của mình”, sẽ bắt đầu có ham muốn chiếm hữu nhà của người khác. Thêm vào đó, nếu cho người khác ở nhà, còn phải nghĩ tới mức độ tự do, đời tư cá nhân. Bởi nhà cửa, phòng ốc là nơi riêng tư của mỗi người, nếu sống cùng với người khác, cả hai ít nhiều cũng sẽ cảm thấy bất tiện.
Những thứ không nên cho người khác vay mượn
Ngoài hương hỏa, ấm sắc thuốc, nhà cửa ra thì giường cưới cũng được coi là thứ không được cho mượn. Hôn lễ là chuyện trọng đại nhất của đời người, theo cách nói dân gian thì việc lựa chọn và sử dụng mọi đồ dùng trong hôn lễ đều có rất nhiều kiêng kỵ và chú trọng nhiều thứ. Ví dụ như giường cưới, đó là nơi không được tùy tiện ngồi hoặc nằm lên. Đầu tiên, là vì giường vốn dĩ là một vật riêng tư, cá nhân, hơn nữa nó còn quan trọng hơn hết đối với cô dâu và chú rể.
(Ảnh minh họa)
Nói một cách khách quan, giường cưới tượng trưng cho hạnh phúc mỹ mãn, là một khởi đầu mới, viết lên trang mới cho cuộc đời. Vì thế, giường cưới của cô dâu chú rể, người khác không được tùy tiện ngồi hay nằm lên, mượn giường cưới lại càng không thể. Nếu giường cưới của cô dâu chú rể lại bị người khác sử dụng trước thì đó là một điều không may mắn. Hơn nữa, tình yêu đẹp nhất cuộc đời là tình yêu bạc đầu răng long, bách niên giai lão, cả đời chỉ yêu một người duy nhất.
Giường cưới tượng trưng cho hôn nhân cả đời, cô dâu chú rể còn chưa dùng thì đã bị người khác dùng trước, ít nhiều gì cũng có một cảm giác như không phải là “lần đầu tiên”. Thế nên, đây là điều cực kỳ cấm kỵ trong hôn nhân. Đương nhiên, ngoài giường cưới ra còn có dao, nạng,… những thứ này đều được coi là những thứ đồ không được mượn dùng. Tuy nói là vậy nhưng không phải toàn bộ đều là tiêu chuẩn hợp lý, vì ít nhiều gì những điều này đều chứa đựng một chút mê tín. Nên biết là vậy, còn có thực hiện toàn bộ hay không là tùy thuộc vào tư tưởng của mỗi người.
Vũ Phong (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)