Điều hòa nên chỉnh gió hướng lên trên hay xuống dưới là tốt nhất?
Điều hòa có công dụng chính là cân bằng nhiệt độ không khí dựa theo nhu cầu làm mát của người dùng. Thiết bị này phù hợp dùng ở những khu vực có nhiệt độ cao, đem đến không khí trong lành, mát mẻ. Đặc biệt, đối với những người mắc các bệnh về đường hô hấp thì dùng điều hòa có thể loại bỏ được các tác nhân gây dị ứng, ô nhiễm như bụi bẩn, nấm mốc, vi khuẩn, phấn hoa,… trong không khí sẽ giúp cải thiện tình trạng bệnh, giảm thiểu các cơn hen suyễn.
Trong quá trình điều hoà hoạt động, người dùng có thể tuỳ chỉnh hướng gió, hướng lên trên hoặc hướng xuống dưới. Vậy đâu là cách điều chỉnh giúp tối ưu hiệu quả hoạt động của thiết bị? Hãy cùng lắng nghe lời khuyên từ chuyên gia.
Theo Chương trình Quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP), nhiều người dùng thường có thói quen chỉnh gió của điều hoà hướng xuống dưới, thấp xuống sàn nhà hay hướng vừa tầm, trực tiếp vào cơ thể con người với mục đích để cảm nhận được khí lạnh nhanh hơn. Tuy nhiên, đây là một hành động chưa đúng đắn.
Các chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực điện tử - điện lạnh nhận xét, việc chỉnh hướng gió điều hoà như trên chỉ có thể làm mát cục bộ tại vị trí mà gió hướng tới. Tuy nhiên, tổng thể không gian sử dụng điều hoà lại không được làm mát tối ưu. Điều hoà sẽ mất nhiều thời gian và năng lượng hơn để làm mát toàn bộ căn phòng. Từ đó người dùng cũng phải bỏ ra chi phí tiền điện cao hơn.
Ngoài ra, việc để gió lạnh từ điều hoà thổi liên tục vào cơ thể cũng tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng không tốt tới sức khoẻ con người. Đặc biệt là với trẻ em, người cao tuổi hay những người có sức đề kháng kém.
Vì những lý do trên, người dùng khi bật điều hoà nên chỉnh hướng gió hướng lên trên, không cần hướng quá cao song ở mức vừa phải. Việc làm này cho phép luồng khí lạnh từ thiết bị được phân bổ đều trong không gian, hiệu suất làm lạnh cũng được tăng cường, thời gian làm lạnh được rút ngắn.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đưa thêm lời khuyên, lực hay tốc độ gió cũng rất quan trọng. Nếu muốn làm lạnh không gian nhanh, người dùng có thể điều chỉnh lực gió - tốc độ gió ở mức cao nhất, đồng thời sử dụng quạt vào thời gian ban đầu, khi mới khởi động thiết bị. Quá trình lưu thông không khí trong không gian sẽ được đẩy mạnh, từ đó khí mát lan toả nhanh và đồng đều hơn. Khi thấy căn phòng, ngôi nhà đã được làm mát tương đối, có thể điều chỉnh về mức gió thấp hơn.
Sử dụng điều hòa như thế nào để tiết kiệm điện nhất
Không bật tắt điều hòa liên tục
Một trong những vấn đề mà người dùng rất hay mắc phải đó chính là thói quen bật tắt điều hòa liên tục, họ thường bật điều hòa thật lạnh sau đó tắt đi để sử dụng quạt, đến khi cảm thấy nóng lại thì tiếp tục bật máy lên rồi tắt khi cảm thấy đủ lạnh. Thói quen này khi nghe thì có vẻ sẽ giúp bạn tiết kiệm kha khá chi phí tiền điện trong những khoảng thời gian thiết bị không hoạt động thế nhưng mọi chuyền lại hoàn toàn ngược lại.
Thói quen bật tắt máy lạnh liên tục không chỉ khiến bạn phải trả chi phí tiền điện nhiều hơn, mà còn khiến cho thiết bị nhanh chóng xuống cấp bởi mỗi khi bật để máy lạnh khởi động thì thiết bị sẽ cần rất nhiều điện để khởi chạy máy nén và quạt.
Nếu bạn cũng đang có cho mình thói quen này thì nên bỏ ngay vì các dòng máy lạnh hiện nay đều được trang bị hệ thống cảm biến nhiệt độ, tức là khi nhiệt độ trong căn phòng của bạn bằng với nhiệt độ mà bạn cài đặt trên remote thì thiết bị sẽ tự động ngừng hoạt động để tiết kiệm điện mà không cần chúng ta can thiệp vào.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyên chúng ta nên tắt điều hòa trước khi ra ngoài khoảng 30 phút, việc làm này không chỉ giúp căn phòng tăng nhiệt độ từ từ mà còn hạn chế tình trạng sốc nhiệt khi chúng ta đột ngột rời khỏi nhà.
Điều chỉnh nhiệt độ hợp lý
Người dùng thường hay có xu hướng điều chỉnh nhiệt độ về mức thấp nhất có thể để căn phòng có thể mát lên nhanh chóng, thế nhưng hãy nhớ rằng nhiệt độ càng thấp thì máy sẽ ngốn càng nhiều điện hơn. Theo như các chuyên gia của Mỹ thì nhiệt độ tốt nhất trong nhà nên duy trì ở mức 25 độ C vì khoảng cách giữa nhiệt độ trong nhà và ngoài trời càng ít thì lượng điện năng tiêu thụ cũng sẽ thấp hơn, đồng thời cũng hạn chế gặp phải tình trạng sốc nhiệt xảy ra khi di chuyển qua lại giữa 2 môi trường.
Thông thường để làm mát một không gian nào đó thì cần phải có một khoảng thời gian nhất định vật nên việc chúng ta hạ nhiệt độ "kịch sàn" hoàn toàn không giúp cải thiện tình hình ngay lập tức mà chỉ khiến công suất thiết bị bị đẩy lên hết mức, gây hao tốn điện năng tiêu thụ mà thôi. Vậy nên chúng ta hãy điều chỉnh nhiệt độ sao cho hợp lý nhất để chiếc máy lạnh của mình có thể hoạt động êm ái và tiết kiệm nhất nhé.
Không bật điều hòa 24/24
Việc sử dụng điều hòa 24/24 từ lâu đã được các chuyên gia, bác sĩ khuyến cáo là không nên vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp cũng như làn da của chúng ta, đặc biệt là trong những ngày thời tiết oi bức và độ ẩm xuống mức thấp như hiện nay. Bên cạnh đó việc để cho chiếc máy lạnh hoạt động liên tục cả ngày cũng sẽ khiến thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng hơn, các chi tiết bên trong bị mài mòn gây giảm tuổi thọ sản phẩm.
Hãy bật máy lạnh ở những thời điểm cần thiết như khi ngủ trưa hoặc vào ban đêm, những thời điểm còn lại trong ngày chúng ta có thể lựa chọn những chiếc quạt để tiết kiệm chi phí tiền điện hàng tháng.
Tắt công tắc điện của máy lạnh
Chắc hẳn sẽ có đến hơn 90% người dùng đều nghĩ rằng việc tắt máy lạnh bằng remote là đủ, thế nhưng trên thực tế nếu bạn chỉ tắt máy bằng remote mà không tắt nguồn cấp điện cho thiết bị thì máy lạnh vẫn sẽ hoạt động cầm chừng và tiêu tốn khoảng 15W, tùy thuộc vào từng dòng sản phẩm. Vậy nên nếu muốn tiết kiệm tối đa chi phí tiền điện thì bạn cũng nên chú ý đến chi tiết này.
Hạn chế trao không gian đổi nhiệt
Thông thường đối với những không gian lắp đặt máy lạnh thì yêu cầu đầu tiên đó chính là không gian phải thật sự kín, điều này không chỉ giúp cho thiết bị của bạn hoạt động hiệu quả hơn, làm mát nhanh hơn mà không phải tốn quá nhiều thời gian.
Ngoài ra, đối với các phòng sử dụng kính thì chúng ta nên sử dụng thêm một lớp rèm che nắng, điều này sẽ giúp hạn chế tối đa việc hấp thụ nhiệt vào căn phòng thông qua những lớp kính.
Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)