Để trả lời cho câu hỏi "huyện nào 2 lần sáp nhập vào Hà Nội?", thì đó chính là huyện Thạch Thất. Ban đầu huyện Thạch Thất thuộc tỉnh Sơn Tây. Năm 1965, Sơn Tây và Hà Đông hợp nhất thành tỉnh Hà Tây. Sau đó 10 năm, tỉnh này tiếp tục sáp nhập cùng Hòa Bình thành tỉnh mới là Hà Sơn Bình. Lúc này, huyện Thạch Thất thuộc địa phận Hà Sơn Bình.
Ngày 29/12/1978, huyện Thạch Thất bị cắt ra để sáp nhập vào thành phố Hà Nội. Ba năm sau, huyện này được chuyển về lại Hà Tây, khi Hà Sơn Bình tách ra thành Hòa Bình và Hà Tây. Vào ngày 1/8/2008, toàn bộ diện tích và dân số của tỉnh Hà Tây, trong đó có huyện Thạch Thất, được sáp nhập vào Hà Nội.
Huyện Thạch Thất - Hà Nội
Huyện Thạch Thất nằm phía Tây Bắc thành phố Hà Nội, là vùng bán sơn địa, với đường ranh giới: Phía Bắc giáp huyện Phúc Thọ. Phía Đông giáp huyện Phúc Thọ, Quốc Oai, phía Nam giáp huyện Quốc Oai, huyện Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình), phía Tây giáp huyện Ba Vì và thị xã Sơn Tây.
Thạch thất là khu vực chuyển tiếp giữa vùng núi và trung du phía Bắc với vùng đồng bằng. Nhìn chung địa hình thấp dần từ Tây sang Đông và chia thành hai dạng địa hình chính là dạng địa hình bán sơn địa, đồi gò và dạng địa hình đồng bằng.
Huyện có diện tích tự nhiên 184,59km2, dân số 242,786 người (số liệu năm 2020). Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Thạch Thất đã có nhiều biến động động về các đơn vị hành chính trực thuộc. Hiện tại, Thạch Thất có 23 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc gồm: thị trấn Liên Quan và 22 xã. Trong đó, Thị trấn Liên Quan là trung tâm kinh tế - hành chính của huyện, cách quận Hà Đông 25km, cách thị xã Sơn Tây 13km, cách trung tâm thành phố Hà Nội 40km về phía Đông Nam.
Thạch Thất có vị trí thuận lợi ở gần các trung tâm kinh tế và thị trường lớn như quận Hà Đông và các quận nội thành của thủ đô. Địa bàn huyện có tuyến đường giao thông thuận lợi nối liền thủ đô Hà Nội như quốc lộ 21A, quốc lộ 32, Đại lộ Thăng Long, ngoài ra có các đường tỉnh lộ 419, 420, 446, đường Hồ Chí Minh.
Thạch Thất có nhiều di tích nổi tiếng, nổi bật nhất chính là chùa Tây Phương
Sở hữu vị trí đẹp, đậm nét truyền thống văn hóa, cơ sở hạ tầng ngày càng được đầu tư giúp Thạch Thất chuyển mình thành trung tâm đô thị phía Tây của Thủ đô. Vị trí địa lý cũng tạo tiền đề cho Thạch Thất phát triển du lịch, dịch vụ với các loại hình: du lịch sinh thái, du lịch tâm linh,…
Hoàng Mai (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)