Theo Quyết định số 804/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam có 34 cảng biển, trong đó 2 cảng loại đặc biệt là Hải Phòng và Bà Rịa – Vũng Tàu. Hải Phòng cũng sở hữu sân bay quốc tế Cát Bi, một cảng hàng không quan trọng ở vùng Đông Bắc đồng bằng Bắc Bộ.
Hải Phòng là tỉnh vừa sở hữu cảng biển đặc biệt, vừa có sân bay quốc tế
Cảng hàng không quốc tế Cát Bi đóng vai trò cầu nối giữa các thành phố lớn trong nước và khu vực. Theo Quyết định số 864/QĐ-BGTVT ngày 10/7/2024, giai đoạn 2021-2030, sân bay này đạt cấp 4E (ICAO), công suất 13 triệu hành khách/năm, 250.000 tấn hàng hóa/năm, khai thác các loại tàu bay code C và E. Đến năm 2050, công suất tăng lên 18 triệu hành khách và 500.000 tấn hàng hóa/năm.
Hệ thống đường cất hạ cánh giai đoạn 2021-2030 giữ nguyên kích thước 3.050 m x 45 m. Đến năm 2050, dự kiến quy hoạch thêm đường cất hạ cánh thứ hai dài 2.400 m, cách đường hiện hữu 215 m về phía Nam.
Hải Phòng cũng là trung tâm cảng biển quan trọng. Trong 10 tháng đầu năm 2024, sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 87,5 triệu tấn, tăng 9,5% so với cùng kỳ 2023. Cảng Hải Phòng hiện xếp thứ 33 trong top 50 cảng container bận rộn nhất thế giới, với lưu lượng hàng hóa 5,57 triệu TEUs vào năm 2023.
Với hệ thống cảng biển lớn nhất miền Bắc cùng 5 loại hình giao thông quan trọng, Hải Phòng có tốc độ phát triển cảng biển nhanh nhất cả nước. Hiện tại, thành phố có 5 khu bến chính, 52 cảng biển, 98 cầu cảng với tổng chiều dài hơn 14.178 m. Đáng chú ý, cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện có thể tiếp nhận tàu container trên 200.000 DWT, góp phần đưa Hải Phòng trở thành trung tâm logistics hàng đầu khu vực.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)