Theo thống kê từ Tổng cục Thống kê năm 2023, Hà Nội tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu trong danh sách các địa phương có mức sống đắt đỏ nhất cả nước. Kết quả này không gây nhiều bất ngờ, bởi thủ đô đã giữ vị trí này từ năm 2022. Thông tin này được công bố dựa trên chỉ số SCOLI (Spatial Cost of Living Index), một thước đo tương đối phản ánh sự chênh lệch giá cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong một khoảng thời gian nhất định, thường là một năm.
Mức sống đắt đỏ nhất thuộc địa phương nào ở Việt Nam?
Chỉ số SCOLI cho phép so sánh chi phí sinh hoạt giữa các địa phương, giúp người dân và các nhà hoạch định chính sách có cái nhìn rõ ràng hơn về tình hình kinh tế - xã hội tại từng khu vực.
Đáng chú ý, Quảng Ninh vươn lên vị trí thứ ba trong danh sách các địa phương có mức sống đắt đỏ nhất, với chỉ số SCOLI đạt 97,94% so với Hà Nội. Sự thay đổi này phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của Quảng Ninh trong những năm gần đây. Là một tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, đồng thời là trung tâm du lịch, kinh tế biển và cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Quảng Ninh đã có những bước tiến vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực kinh tế. Sự phát triển sôi động này kéo theo sự gia tăng về giá cả của một số nhóm hàng hóa và dịch vụ, đẩy chi phí sinh hoạt tại đây lên cao hơn so với nhiều địa phương khác.
Bên cạnh chi phí sinh hoạt, một số yếu tố khác cũng phản ánh rõ nét sự phân hóa kinh tế - xã hội giữa các địa phương. Theo số liệu thống kê năm 2019 (chưa có thống kê mới nhất), Thái Nguyên là tỉnh có tỷ lệ người dân sở hữu ô tô cao nhất cả nước, với 10,3% hộ gia đình có ô tô, gấp đôi mức trung bình của cả nước. Điều này cho thấy mức sống tương đối cao của người dân tại Thái Nguyên.
Tuy nhiên, bức tranh kinh tế Việt Nam cũng cho thấy sự chênh lệch đáng kể về thu nhập bình quân đầu người giữa các địa phương. Theo Báo cáo kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2023 của Tổng cục Thống kê, Bình Dương dẫn đầu cả nước với thu nhập bình quân đầu người đạt 8,29 triệu đồng/người/tháng, gấp 1,7 lần so với mức trung bình của cả nước. Trong khi đó, Điện Biên là tỉnh có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất, chỉ đạt 2,18 triệu đồng/người/tháng. Các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu cũng ghi nhận mức thu nhập bình quân đầu người rất thấp, phản ánh những khó khăn về kinh tế - xã hội mà người dân tại các khu vực này đang phải đối mặt.
Elly (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)