Trước năm 2020, Bình Dương là tỉnh có nhiều thị xã nhất Việt Nam khi có tới 4 thị xã gồm Dĩ An, Thuận An, Bến Cát, Tân Uyên. Tuy nhiên, sau đó cả 4 thị xã này đều được nâng cấp lên thành phố. Hiện nay, hai tỉnh có nhiều thị xã nhất nước ta là Bình Phước và Nghệ An.
3 thị xã của Bình Phước là Phước Long, Bình Long, Chơn Thành, còn Nghệ An có Cửa Lò, Thái Hòa, Hoàng Mai. Đây cũng là hai tỉnh có diện tích lớn. Nghệ An rộng 16.500km2, đứng đầu cả nước, trong khi Bình Phước có diện tích 6.870km2, lớn nhất khu vực Nam Bộ.
Bình Phước thuộc miền Đông Nam Bộ, là tỉnh duy nhất ở Nam Bộ có ba thị xã. Đó là Phước Long, Bình Long, Chơn Thành. Ngoài ra, Bình Phước còn có thành phố Đồng Xoài và bảy huyện, gồm Đồng Phú, Bù Đăng, Bù Đốp, Bù Gia Mập, Lộc Ninh, Hớn Quản, Phú Riềng.
Diện tích tự nhiên của Bình Phước là 6.870 km2, dân số 1,03 triệu người (tính đến hết năm 2022), trong đó có 41 dân tộc thiểu số (chiếm gần 20% số dân). So với các vùng khác trên cả nước, Bình Phước được xem là vùng đất trẻ khi được tái thành lập năm 1997. Ngoài Bình Phước, Việt Nam còn có tỉnh Nghệ An, cũng có ba thị xã, gồm Hoàng Mai, Thái Hòa, Cửa Lò.
Bình Phước là một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, có 11 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có 3 huyện biên giới (Bù Gia Mập, Bù Đốp, Lộc Ninh) tiếp giáp với 3 tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia (Mondulkiri, Kratie, Tboung Khmum), với tổng chiều dài đường biên giới là 258,939km, với 28 cột mốc chính, 353 cột mốc phụ. Phía Đông giáp 3 tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng và Đồng Nai; phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và Campuchia với chiều dài đường biên giới là 240 km; phía Bắc giáp tỉnh Krachê và Mundukini (Campuchia), phía Nam giáp tỉnh Bình Dương.
TP. Vinh - thủ phủ của tỉnh Nghệ An
Nghệ An là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, là địa phương có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, giàu truyền thống cách mạng và tinh thần hiếu học. Nghệ An còn là mảnh đất đã sản sinh nhiều anh hùng, hào kiệt, danh tướng, danh nhân lịch sử cho đất nước. Đặc biệt, Nghệ An là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.
Nghệ An có diện tích khoảng 16.490,25 km2 - lớn nhất cả nước. Địa hình nghiêng theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, với ba vùng sinh thái rõ rệt: miền núi, trung du, đồng bằng ven biển. Trong đó, miền núi chiếm tới 83% diện tích. Hệ thống sông ngòi có độ dốc lớn, với 117 thác nước lớn, nhỏ.
Danh xưng Nghệ An xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1030 dưới triều Vua Lý Thái Tông khi nhà vua cho đổi tên gọi Hoan Châu thành châu Nghệ An. Từ đó, danh xưng Nghệ An trở thành tên gọi gần gũi, thân thương gắn liền vào lịch sử hào hùng của dân tộc và tồn tại sâu thẳm trong tâm thức các thế hệ người dân Nghệ An cho tới ngày nay. Tháng 11/2020, Nghệ An đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 990 năm Danh xưng Nghệ An; khẳng định một dấu mốc quan trọng, một chặng đường lịch sử vẻ vang của địa phương.
Khung cảnh hùng vĩ của miền tây xứ Nghệ
Nghệ An có 21 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm: 01 thành phố, 3 thị xã và 17 huyện. Trong đó, Thành phố Vinh là đô thị loại 1, là trung tâm kinh tế, văn hóa của tỉnh và khu vực Bắc Trung bộ; 3 thị xã, gồm: Thị xã Cửa Lò, thị xã Hoàng Mai và thị xã Thái Hoà; 17 huyện, gồm: Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Đô Lương, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn.
Nghệ An nằm trong hành lang kinh tế Đông - Tây nối liền Myanmar - Thái Lan - Lào - Việt Nam theo Quốc lộ 7 đến cảng Cửa Lò; nằm trên các tuyến du lịch quốc gia và quốc tế (tuyến du lịch xuyên Việt; tuyến du lịch Vinh - Cánh đồng Chum - Luôngprabang - Viêng Chăn - Băng Cốc và ngược lại qua Quốc lộ 7 và đường 8)… Với vị trí như vậy, Nghệ An đóng vai trò quan trọng trong giao lưu kinh tế, thương mại, du lịch, vận chuyển hàng hoá với cả nước và các nước khác trong khu vực, nhất là các nước Lào, Thái Lan và Trung Quốc, là điều kiện thuận lợi để kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Hoàng Mai (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)