Theo số liệu từ Điều tra giữa kỳ dân số và nhà ở năm 2024 được Tổng cục Thống kê công bố đầu năm 2025, 2,9% dân số thành thị đã ly hôn, chủ yếu trong độ tuổi từ 40-49. Cụ thể, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên đã từng kết hôn là 74,9%. Trong đó, tình trạng hôn nhân phổ biến nhất của dân số từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam là "Có vợ/có chồng", chiếm 65,3%.
Tuổi kết hôn trung bình lần đầu của dân số Việt Nam hiện nay là 27,3, tăng 2,1 năm so với năm 2019. Trong đó, nam giới kết hôn muộn hơn nữ giới 4,2 năm, với độ tuổi lần đầu kết hôn là 29,4 năm đối với nam và 25,2 năm đối với nữ. Đặc biệt, nữ ở thành thị kết hôn muộn hơn đáng kể so với nữ ở nông thôn, với chênh lệch tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 2,7 năm (26,8 năm so với 24,1 năm).
Tình trạng "độc thân" (chưa vợ/chưa chồng, góa, ly hôn, ly thân) đang phổ biến ở 37,8% người từ 15 tuổi trở lên tại thành thị, trong khi tỷ lệ này ở khu vực nông thôn là 32,7%.
TP HCM có tỉ lệ ly hôn cao nhất cả nước. Ảnh minh họa
Theo thống kê, cả nước có khoảng 2.225.900 người ly hôn/ly thân, trong đó hơn 963.300 nam và gần 1.262.600 nữ.
Dân số thành thị có tỉ lệ ly hôn cao hơn nông thôn (2,9% so với 2,4%). Tính theo vùng, vùng Đông Nam Bộ là nơi có tỉ lệ ly hôn/ly thân cao nhất cao nhất với gần 560.000 người. Tiếp đến là Đồng bằng sông Cửu Long với hơn 521.700 người.
Địa phương có số người ly hôn/ly thân cao nhất là TP HCM với hơn 263.300 người trong đó, hơn 99.700 nam và gần 163.600 nữ. Đứng sau là TP Hà Nội với hơn 146.400 người trong đó hơn 57.800 nam và 89.600 nữ. Đây cũng là hai thành phố lớn đông dân cư nhất cả nước.
Các tỉnh/thành phố cũng có người ly hôn/ly thân cao như: Bình Dương (hơn 91.000 người); Đồng Nai (gần 83.000 người); Tiền Giang (65.000 người); Thanh Hóa (57.000 người); Tây Ninh (55.000 người); An Giang (hơn 53.000 người), Hải Phòng (52.000 người); Kiên Giang (hơn 49.000 người), Nghệ An (gần 46.000 người), Đồng Tháp (hơn 44.000 người)...
Tỉnh Bắc Kạn có số ly hôn/ly thân thấp nhất là 6.417 người. Đứng sau là Cao Bằng với hơn 7.300 người ly hôn/ly thân.
Dân số thành thị có tỉ lệ ly hôn cao hơn nông thôn. Ảnh minh họa
Một trong những nguyên nhân khiến TP HCM và Hà Nội trở thành nơi có tỷ lệ ly hôn cao là vì áp lực tài chính, chi phí sinh hoạt đắt đỏ... Bên cạnh đó, ở các thành phố lớn đã có sự thay đổi quan niệm về hôn nhân, văn hóa và quyền tự do cá nhân.
Trước đây, theo văn hóa làng xã, hầu hết các cá nhân thường kết hôn trong cùng làng giúp giảm thiểu mâu thuẫn vì các mối quan hệ đều đã quen thuộc và gần gũi. Không những thế, ly hôn ở thời điểm đó bị coi là điều cấm kỵ, ảnh hưởng đến danh dự của gia đình và dòng họ. Vì vậy, dù hôn nhân không hạnh phúc nhiều người vẫn cố gắng chịu đựng.
Phụ nữ ly hôn trong xã hội xưa cũng thường bị kỳ thị và gặp rất nhiều khó khăn trong việc tái hôn. Do đó, nhiều người chấp nhận sống trong những cuộc hôn nhân không hạnh phúc vì sợ bị xã hội chỉ trích, chê bai. Nhiều cha mẹ không chấp nhận việc con cái ly hôn vì lo ngại điều tiếng từ làng xóm. Chính vì vậy, tỷ lệ ly hôn trước đây rất thấp và chỉ xảy ra khi vợ chồng sống xa nhau hoặc khi mâu thuẫn trở nên quá nghiêm trọng không thể hàn gắn.
Nguyên nhân khiến TP HCM và Hà Nội trở thành nơi có tỷ lệ ly hôn cao là vì áp lực tài chính, chi phí sinh hoạt đắt đỏ... Ảnh minh họa
Các chuyên gia cũng chỉ ra tỷ lệ ly hôn ở thành phố cao hơn so với nông thôn vì dân số thành thị đông hơn, dẫn đến số vụ ly hôn cũng nhiều hơn. Hơn nữa, tại các đô thị, những ràng buộc về lễ giáo phong kiến đã giảm bớt, trong khi tư duy về quyền tự do cá nhân lại mạnh mẽ hơn. Môi trường sống ở thành phố cũng có nhiều người độc thân hoặc đã ly hôn, khiến ly hôn trở nên bình thường hơn và ít bị xã hội lên án.
Ngược lại, ở nông thôn, gia đình, họ hàng và cộng đồng có ảnh hưởng lớn đến quyết định của cá nhân. Người dân thường bị chi phối bởi văn hóa truyền thống, trong đó sự hy sinh vì con cái và gia đình được coi trọng. Thêm vào đó, cơ hội tái hôn ở vùng quê thường ít hơn, khiến nhiều người dù không hạnh phúc vẫn chọn cách duy trì hôn nhân vì lý do xã hội và truyền thống.
K.Hoàng (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)