Cách trung tâm Hà Nội khoảng 12km, Hà Đông không chỉ là một quận hành chính, mà còn là một phần quan trọng trong bức tranh đô thị hóa và phát triển của Thủ đô. Bước ngoặt lớn nhất diễn ra vào ngày 8/5/2009, khi thành phố Hà Đông chính thức được nâng cấp thành quận, đánh dấu một chương mới trong lịch sử phát triển của địa phương này.
Hà Đông là địa phương duy nhất trong cả nước, từ một thị xã vươn lên thành thành phố, rồi lại trở thành một quận của Hà Nội
Vị trí địa lý đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của Hà Đông. Quận giáp ranh với nhiều khu vực quan trọng: phía Đông giáp huyện Thanh Trì, phía Tây giáp các huyện Quốc Oai, Hoài Đức và Chương Mỹ, phía Nam giáp huyện Thanh Oai, phía Bắc giáp quận Nam Từ Liêm và quận Thanh Xuân. Vị trí cửa ngõ phía Tây Nam này giúp Hà Đông kết nối khu vực nội thành Hà Nội với các huyện ngoại thành và các tỉnh Tây Bắc, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và phát triển kinh tế.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của giao thông trong sự phát triển kinh tế - xã hội, Hà Đông đã được đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống giao thông. Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, một biểu tượng hiện đại của Thủ đô, cùng với các tuyến đường huyết mạch như Quốc lộ 6, đường 21B (trước đây là Quốc lộ 22), đường 70 (nay là đường 430), Lê Trọng Tấn, Lê Văn Lương, đã tạo nên một mạng lưới giao thông kết nối chặt chẽ.
Đáng chú ý, nhiều tuyến đường quan trọng ở Hà Đông không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn mang đậm dấu ấn lịch sử, được hình thành từ cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Bên cạnh đó, quận còn đang triển khai các dự án lớn như đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, góp phần mở rộng mạng lưới giao thông, giảm ùn tắc và tạo động lực phát triển cho toàn khu vực.
Không chỉ là trung tâm giao thông, Hà Đông còn là nơi đặt trụ sở của nhiều cơ quan Trung ương và Sở, ban, ngành của TP. Hà Nội, như Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, Văn phòng Thành ủy Hà Nội, Sở Tư pháp Hà Nội, Viện Nghiên cứu Thống kê,… Điều này khẳng định vai trò quan trọng của Hà Đông trong bộ máy hành chính của Thủ đô.
Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng cũng là một điểm nổi bật của Hà Đông. Các khu đô thị hiện đại như Mỗ Lao, Văn Quán, Văn Phú, Dương Nội, An Hưng, mọc lên ngày càng nhiều, thay đổi diện mạo của quận và thu hút đông đảo cư dân đến sinh sống và làm việc. Các trung tâm thương mại lớn như AEON Mall Hà Đông, Melinh Plaza, Metro Hà Đông cũng góp phần nâng cao đời sống của người dân, mang đến các dịch vụ mua sắm, giải trí chất lượng cao.
Hà Đông cũng là một trung tâm giáo dục và y tế lớn của Thủ đô. Quận tập trung nhiều cơ sở giáo dục uy tín như Đại học Kiến trúc Hà Nội, Học viện Quân Y, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, cùng các bệnh viện lớn như Bệnh viện Quân Y 103, Viện Bỏng Quốc gia, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Công an Hà Nội. Hệ thống y tế và giáo dục đồng bộ này đáp ứng tốt nhu cầu của người dân và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Với vị trí chiến lược, hạ tầng đồng bộ và sự đầu tư mạnh mẽ, Hà Đông đang trở thành một điểm sáng trong bức tranh phát triển đô thị của Thủ đô. Các dự án đô thị vệ tinh và hạ tầng giao thông mới hứa hẹn sẽ tạo đà cho sự phát triển vượt bậc, không chỉ về kinh tế mà còn trong các lĩnh vực xã hội, văn hóa và giáo dục. Hà Đông đang từng bước khẳng định vai trò là trung tâm phát triển phía Tây Nam của Thủ đô Hà Nội, góp phần quan trọng vào sự thịnh vượng chung của khu vực.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)