Danh xưng Thanh Hóa được các nhà khoa học xác định có từ năm 1029, căn cứ theo sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục: "Nhà Đinh và Nhà Lê gọi Thanh Hoá là Ái Châu; nhà Lý đổi làm trại, năm Thiên Thành thứ 2 đổi làm Thanh Hoá phủ".
Thời Hậu Lê, vua Lê Thánh Tông cho đổi vùng đất này thành Thanh Hoa thừa tuyên. Đến thời nhà Nguyễn, năm Minh Mệnh năm thứ 12 (1831), cả nước được chia thành 30 tỉnh. Thanh Hoa trấn được gọi là tỉnh Thanh Hoa.
Tuy nhiên, khi Vua Thiệu Trị lên ngôi, tỉnh Thanh Hoa chỉ gọi chung là tỉnh Thanh. Năm 1843, vua đổi tên, gọi nơi này là Thanh Hoá tỉnh. Tên gọi Thanh Hoá ổn định từ đó đến nay.
Một góc TP Thanh Hóa
Tỉnh thành này có diện tích đạt khoảng 11.114,7 km2, Thanh Hóa nằm trong top 5 tỉnh thành có diện tích lớn nhất cả nước. Thanh Hóa giáp với các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Nghệ An, Ninh Bình. Với hơn 3,64 triệu người (2019), Thanh Hóa đứng thứ 3 toàn quốc về quy mô dân số, sau thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Thanh Hóa nằm tại vị trí kết nối các tỉnh phía Bắc và phía Nam. Thanh Hóa có 102 km đường bờ biển, có đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 1A … Đây là tuyến đường thúc đẩy phát triển kinh tế, tài chính, vui chơi giải trí và các hoạt động liên quan đến du lịch.
Hoàng Mai (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)