Đi vệ sinh xong có nên đậy nắp bồn cầu không?
Theo Charles P. Gerba – Giáo sư vi sinh học của trường Đại học Arizona (Hoa Kỳ), việc không đậy nắp bồn cầu trước khi xả nước không những gây bất tiện mà còn rất mất vệ sinh. Bởi chúng sẽ khiến vi khuẩn từ bồn cầu “phát tán” khắp mọi nơi.
Giáo sư Charles P. Gerba và Jason Tetro – nhà vi trùng học từ trường Đại học Guelph (Canada) kiêm tác giả quyển sách The Germ Files (Hồ sơ vi khuẩn) cho rằng, đây chính là hiệu ứng aerosol (hiệu ứng bình phun).
Nghĩa là chúng sẽ tạo nên một lực phun cực kỳ mạnh từ bồn cầu ra ngoài. Khi ấy, nếu bạn không đậy nắp bồn cầu thì nhiều giọt nước li ti sẽ bắn ra ngoài. Và đây cũng chính là cơ hội để đám vi khuẩn “bay” vào không khí và “cư trú” khắp nơi ở nhà vệ sinh hoặc phòng tắm, kể cả bàn chải đánh răng, khăn tắm, tường,...
Thông thường, trung bình một người sẽ xả nước bồn cầu tầm 6 lần/ngày, nghĩa là tổng cộng gần 2190 lần/năm. Trong khi đó, các vi khuẩn có thể bị phun cao đến 2,5 m khi xả nước và tồn tại ngoài môi trường tầm 1 tiếng.
Điều này đồng nghĩa là có rất nhiều vi khuẩn xung quanh chúng ta. Đặc biệt là vi khuẩn Salmonella, vi khuẩn Shigella như Norovirus (virus gây tiêu chảy, nôn ói, đau bụng), viêm gan A,... có thể đi theo các hạt phân tử vào miệng.
Theo chuyên mục “Cách sống – Lời khuyên về sức khỏe và thể chất” của The Times of India – một nhật báo tiếng Anh tại Ấn Độ bán chạy nhất hàng ngày trên thế giới theo Cục Kiểm tra Phát hành Ấn Độ, dù là không dùng nhà vệ sinh thì tốt nhất bạn cũng nên đóng nắp bồn cầu lại.
Bởi điều này không chỉ hạn chế vi khuẩn xuất hiện ở không khí mà còn giúp bảo vệ sự an toàn của bé (nếu gia đình có trẻ nhỏ). Theo Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng (CPSC), một em bé hay trẻ mới biết đi có thể ngã vào bồn cầu mở và bị thương nặng.
Không đậy nắp bồn cầu khi xả nước khiến vi khuẩn “bay” vào không khí.
Ngoài ra, đậy nắp bồn cầu còn giúp đảm bảo sự an toàn cho thú cưng của nhà bạn (nếu có). Bởi không ít thú cưng khá thích nhà vệ sinh và thường làm ướt mình trong bồn cầu, uống nước từ bồn cầu,... Điều này không chỉ làm tổn thương bản thân chúng mà còn gián tiếp làm bạn bị ảnh hưởng sức khỏe nếu chúng tiếp xúc, hôn bạn vào lần sau.
Một số lưu ý khác để giảm thiểu nguy cơ nhiễm khuẩn từ bồn cầu:
- Để bàn chải đánh răng hay các sản phẩm vệ sinh cá nhân khác ở vị trí cách xa bồn cầu.
- Nếu sử dụng nhà vệ sinh công cộng, sau khi bấm nút xả nước, bạn phải đi ra ngoài ngay. “Nếu bạn đang ở trong nhà vệ sinh công cộng, hãy giữ sạch sẽ nhất có thể bằng cách không cúi xuống bồn cầu khi xả nước và rửa tay ngay sau đó”, TS Janet Hill khuyên.
- Việc làm sạch nhà vệ sinh cũng như bồn cầu hằng ngày để giữ cho mọi thứ sáng sủa và ngăn chất bẩn tích tụ, giúp nhà vệ sinh không có mùi khó chịu hay tồn tại những vi khuẩn có hại cho sức khỏe.
Nên thường xuyên chùi rửa, vệ sinh bồn cầu.
Nếu nhà bạn có tấm rèm bồn tắm, hàng tuần hãy tháo rời chúng để giặt sạch rồi phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Còn với sàn nhà, ngay cả khi chúng sẽ sớm ướt trở lại, các chuyên gia vẫn khuyến cáo người dùng nên lau khô sau mỗi lần sử dụng nhằm phòng tránh các loại vi khuẩn, nấm mốc. Trước khi để khô, hãy vệ sinh nó với các loại nước tẩy rửa chuyên dụng và dùng bàn chải, chổi cọ để vệ sinh kỹ.
Nếu dưới sàn nhà vệ sinh, nhà tắm có những tấm thảm, tốt hơn hết cũng nên giặt chúng và phơi khô.
Không chỉ những vật dụng trong nhà vệ sinh mà bất cứ thứ gì xung quanh chúng ta cũng tồn tại một lượng vi khuẩn nhất định. Điều duy nhất chúng ta có thể làm để khắc phục là chăm chỉ vệ sinh, dọn dẹp hàng ngày và thay thế ngay khi chúng có dấu hiệu hỏng hóc, nấm mốc.
Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)