Trên các diễn đàn, nhiều chị em nội trợ đang bắt trend xu hướng đi chợ theo tuần. Với những người bận rộn, đi chợ theo tuần quả thực tiết kiệm được nhiều thời gian lẫn tiền bạc.
Như chia sẻ của chị Trang (sinh sống ở Đồng Nai), đi chợ theo tuần không chỉ giúp chị "bớt mua tào lao" mà còn có thời gian "làm biếng".
Chị Trang cho biết bản thân thường đi chợ theo tuần, đồ ăn mang về làm sạch, để riêng ra từng hộp trữ trong tủ lạnh, không cần ngày nào cũng phải đi chợ. Khi đến bữa, chỉ cần mang một hộp đồ ăn ra nấu, vừa tiết kiệm thời gian lại không cần đi chợ nhiều phát sinh tiền mua nhiều thứ tốn kém.
Bí quyết giúp đi chợ theo tuần mà mỗi bữa cơm vẫn ngon miệng của chị Trang là lên thực đơn trước khi đi chợ, vừa đỡ quên lại có thể thay đổi thực đơn mỗi ngày đa dạng.
Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn nhiều tranh cãi về việc đi chợ theo tuần thì đồ ăn không được tươi. Hơn nữa thức ăn để lâu ngày trong tủ lạnh sẽ có nguy cơ bị mất chất, biến chất hay nhiễm khuẩn.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nếu có thời gian nên mua đồ ăn theo ngày. Còn để đồ ăn cả tuần, việc giảm hàm lượng chất dinh dưỡng và nguy cơ nhiễm khuẩn là khó tránh khỏi. Bởi có nhiều người nghĩ mình xử lý, chế biến thực phẩm cẩn thận, nhiều công đoạn là sạch nhưng không phải vậy.
Ô nhiễm chéo là sự nhiễm khuẩn từ thực phẩm này sang thực phẩm khác là ví dụ điển hình và dễ xảy ra khi chế biến thịt, cá, trứng sống. Cần tránh sự tiếp xúc của những thực phẩm này với các loại thực phẩm ăn sẵn khác.
Để tránh sự ô nhiễm chéo, nên để riêng các loại thịt, gia cầm, hải sản, trứng sống ra khỏi các thực phẩm khác khi đi chợ và bảo quản trong tủ lạnh. Không nấu các thực phẩm bằng các dụng cụ đã tiếp xúc với thịt, cá, trứng sống mà chưa được rửa sạch bằng nước rửa. Sử dụng thớt riêng để chế biến thực phẩm sống và thực phẩm chín ăn ngay khác.
Vi khuẩn có thể xâm nhập và lan vào thớt, dụng cụ nấu và thực phẩm. Cần thực hành các nguyên tắc an toàn thực phẩm tốt trong gia đình: rửa tay bằng xà phòng và nước ấm ít nhất 20 giây trước và sau khi tiếp xúc với thực phẩm, sau khi đi vệ sinh, làm các việc khác như thay tã cho trẻ, chơi với vật nuôi…
Vì thế, tùy thời gian và khối lượng công việc mà bà nội trợ có thể cân đối xem có nên đi chợ dùng cho cả tuần hay không?
Bí quyết để trữ đồ ăn trong tủ lạnh:
Giữ nhiệt độ ngăn mát tủ lạnh ở khoảng 4 độ C hoặc thấp hơn để giảm thiểu nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn.
Phải vệ sinh tủ lạnh thường xuyên.
Không để thức ăn sống lẫn với thức ăn chín.
Thức ăn cần được bảo quản trong hộp kín, bọc màng nilông để tránh mùi, tránh nhiễm khuẩn sang những loại thức ăn khác trong tủ lạnh; chỉ bảo quản những thực phẩm tươi (tránh đồ ôi, thiu).
Lưu ý: thịt, cá tươi, sống phải để ở ngăn đá, chia nhỏ theo bữa ăn cho tiện sử dụng và chỉ sử dụng trong khoảng một tháng; thực phẩm ở ngăn mát nên dùng tốt nhất trong vòng một tuần; đối với đồ ăn chín nên nấu lại trước khi ăn; để thức ăn nguội mới đưa vào tủ...
Ngoài ra, không chèn, nhét quá nhiều thức ăn khiến tủ lạnh bị quá tải, không lưu thông được không khí làm độ lạnh kém, dẫn đến việc bảo quản thức ăn bị ảnh hưởng; tủ lạnh cần được hoạt động liên tục, tránh việc cắm - rút thường xuyên không đảm bảo nhiệt độ bảo quản trong tủ.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)