Đèn đỏ, dừng xe máy ở bóng râm để tránh nắng có bị phạt không?
Để biết người điều khiển phương tiện giao thông là xe mô tô, xe gắn máy dừng xe ở bóng râm để tránh nắng khi chờ đèn đỏ thì có bị phạt không thì cần xem vị trí dừng xe.
Nếu người điều khiển phương tiện dừng xe ở bóng râm đồng thời cũng là nơi có vạch dừng xe thì hành vi này đúng quy định pháp luật.
Nếu người điều khiển phương tiện dừng xe ở bóng râm nhưng đây là nơi cách xa vạch dừng xe thì có thể bị xử phạt theo quy định pháp luật. Căn cứ Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 6. Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:
2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường;
b) Không giảm tốc độ và nhường đường khi điều khiển xe chạy từ trong ngõ, đường nhánh ra đường chính;
c) Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h;
d) Điều khiển xe chạy tốc độ thấp mà không đi bên phải phần đường xe chạy gây cản trở giao thông;
đ) Dừng xe, đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông; tụ tập từ 03 xe trở lên ở lòng đường, trong hầm đường bộ; đỗ, để xe ở lòng đường đô thị, hè phố trái quy định của pháp luật;
e) Không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn; không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên, đường chính từ bất kỳ hướng nào tới tại nơi đường giao nhau;
Như vậy, khi dừng xe ở bóng râm để tránh nắng nhưng cách xa vạch dừng xe, gây cản trở giao thông người lái xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) có thể bị xử phạt từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.
Kinh nghiệm dừng đèn đỏ an toàn, đúng cách
Để tránh được những biên bản nộp phạt cũng như những rủi ro về tai nạn khi dừng tại đèn đỏ không đúng quy định. Người điều khiển phương tiện xe cơ giới khi tham gia giao thông có thể tham khảo một số kinh nghiệm như sau:
• Luôn quan sát trước – sau – hai bên hông xe bằng gương chiếu hậu, trước khi giảm tốc để dừng tại đèn đỏ.
• Chạm phanh để đèn phanh phía sau xe sáng, làm tìn hiệu cảnh báo khoảng cách an toàn cho những xe phía sau.
• Không dừng xe ở giữa làn đường, mà chỉ nên dừng xe ở hai bên làn đường. Vì các số liệu thống kê cho thấy rằng, tỷ lệ tai nạn giao thông khi dừng ở vị trí trung tâm làng đường cao hơn rất nhiều so với vị trí hai bên.
• Thay vì tắt máy, chuyển hẳn về số mo, thì đối với những đèn tín hiệu 30s, bạn nên để xe ở trong tình trạng sẵn sàng di chuyển. Điều này cần thiết khi di chuyển qua những cung đường có lưu lượng xe lưu thông lớn.
• Khi dừng tại đèn đỏ, bạn vẫn nên kiểm tra phanh thắng, đèn xi nhan, gương chiếu hậu. Để nhanh chóng phát hiện và xử lý tình huống một cách nhanh chóng và an toàn nhất.
• Hạn chế việc dừng trên các loại xe lớn như xe container, xe chở hàng...
Trường hợp nào được phép vượt đèn đỏ.
Trong một số trường hợp đặc biệt, luật GTĐB có quy định về việc người và phương tiện tham gia giao thông có thể vượt đèn đỏ, cụ thể như sau:
Trường hợp có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông
Luật quy định rằng, khi đồng thời có nhiều hình thức báo hiệu như: đèn tín hiệu, biển báo, vạch kẻ đường, người điều khiển giao thông. Thì người tham gia giao thông ưu tiên chấp hành theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
Có đèn tín hiệu hoặc biển báo cho phép tiếp tục đi
Đèn tín hiệu ưu tiên thường được gắng kèm theo đèn tín hiệu giao thông. Khi đèn tín hiệu chuyển sang màu xanh thì người và phương tiện tham gia giao thông được phép rẽ theo hướng mũi tên cho dù đèn đỏ đang bật sáng. Tuy nhiên, phải nhường đường cho phương tiện được phép lưu thông chính trên cung đường và người đi bộ. Trong một số trường hợp vạch dừng đèn đỏ bị mờ, phai màu không còn nhìn thấy rõ vạch. Thì người và phương tiện tham gia giao thông phải dừng trước đèn tín hiệu hoặc coi vị trí có đèn tín hiệu gần nhất là vạch dừng.
Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)