Theo Sở Nội vụ Hà Nội, căn cứ đơn tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi hoặc nghỉ thôi việc của cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, công chức cấp xã, người lao động, các cơ quan, tổ chức, đơn vị xem xét thực hiện qua 7 bước. Cụ thể:
Bước 1: Trưởng phòng, trưởng đơn vị, bộ phận trực thuộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị xem xét các trường hợp thuộc thẩm quyền quản lý có đơn tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi hoặc nghỉ thôi việc.
Những trường hợp này cũng cần lấy ý kiến cấp ủy cùng cấp và báo cáo cơ quan tham mưu công tác tổ chức cán bộ cùng cấp, theo phân cấp quản lý.
Bước 2: Cơ quan, bộ phận tham mưu công tác tổ chức cán bộ tổng hợp danh sách, dự toán kinh phí thực hiện nghỉ hưu trước tuổi và nghỉ thôi việc, báo cáo người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Giải quyết chế độ cho cán bộ, công chức nghỉ hưu sớm do sắp xếp bộ máy. (Ảnh minh họa)
Bước 3: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cùng với cấp ủy, chính quyền cùng cấp xem xét đánh giá, rà soát theo tiêu chí và giải quyết cụ thể từng trường hợp. Trường hợp không đồng ý giải quyết thì cơ quan, tổ chức, đơn vị phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Về thứ tự ưu tiên xem xét, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có sức khỏe yếu, không đảm bảo yêu cầu công việc.
Tiếp theo là nhóm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sau sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính chưa đạt chuẩn về trình độ đào tạo; bằng cấp chuyên môn chưa đúng với yêu cầu vị trí việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Sau cùng sẽ ưu tiên xem xét cho nhóm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động còn dưới 10 năm công tác đến tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Bước 4: Các cơ quan, tổ chức, đơn vị thẩm định, tổng hợp hồ sơ, danh sách và dự toán kinh phí đối với các trường hợp đủ điều kiện và có đơn tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi hoặc nghỉ thôi việc gửi về Sở Nội vụ để tổng hợp, thẩm định báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bước 5: Sở Nội vụ tổng hợp, thẩm định hồ sơ và có văn bản lấy ý kiến Sở Tài chính về rà soát, thẩm định kinh phí, nguồn kinh phí thực hiện chính sách, chế độ.
Bước 6: Trên cơ sở ý kiến của Sở Tài chính, Sở Nội vụ tổng hợp, trình UBND TP Hà Nội xem xét phê duyệt danh sách và kinh phí.
Bước 7: Sau khi có Quyết định phê duyệt của UBND Thành phố, các cơ quan, đơn vị thực hiện chi trả chính sách, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý thực hiện theo quy trình công tác cán bộ của Thành ủy và UBND Thành phố.
Để nhận tiền hỗ trợ nghỉ hưu trước tuổi do sắp xếp bộ máy, người hưởng chế độ cần làm gì? (Ảnh minh họa)
Cách tính trợ cấp khi nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 178
Theo Điều 4 Thông tư 1/2025/TT-BNV được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Thông tư 002/2025/TT-BNV quy định, trong thời gian thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy chính trị, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được cơ quan có thẩm quyền cho nghỉ hưu trước tuổi nếu đáp ứng đủ điều kiện thì được hưởng đồng thời 04 khoản tiền sau:
- Trợ cấp hưu trí một lần cho số tháng nghỉ sớm.
- Trợ cấp cho số năm nghỉ hưu sớm.
- Trợ cấp theo thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc.
- Tiền lương hưu.
Theo đó, 03 khoản trợ cấp khi nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP, sẽ được tính như sau:
Đối với trường hợp tuổi đời còn từ đủ 02 năm - 05 năm cho đến tuổi nghỉ hưu:
Theo quy định điểm a, điểm c khoản 2 Điều 7 Nghị định 178/2024/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 67/2025/NĐ-CP, Cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và người lao động được hưởng 03 khoản trợ cấp sau:
Trợ cấp hưu trí một lần cho số tháng nghỉ sớm
* Trường hợp nghỉ hưu trong thời hạn 12 tháng đầu tiên:
Mức trợ cấp = Lương tháng hiện hưởng x 1,0 x Số tháng nghỉ sớm.
* Trường hợp nghỉ hưu từ tháng thứ 13 trở đi:
Mức trợ cấp = Lương tháng hiện hưởng x 0,5 x Số tháng nghỉ sớm.
Trợ cấp cho số năm nghỉ hưu sớm
Mức trợ cấp = Lương tháng hiện hưởng x 5 x Số tháng nghỉ sớm.
Trợ cấp theo thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc
Trường hợp 20 năm đầu công tác có đóng BHXH bắt buộc thì được trợ cấp 5 tháng tiền lương hiện hưởng; với số năm còn lại (từ năm thứ 21 trở đi) thì mỗi năm được trợ cấp bằng 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.
Công thức cụ thể:
Mức trợ cấp = Lương tháng hiện hưởng x 5 (đối với 20 năm đầu công tác có đóng BHXH bắt buộc) + 0,5 x Số năm công tác có đóng BHXH bắt buộc còn lại từ năm thứ 21 trở đi.
(Ảnh minh họa).
Đối với trường hợp có tuổi đời còn trên 05 năm - đủ 10 năm đến tuổi nghỉ hưu:
Theo quy định điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định 178/2024/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 67/2025/NĐ-CP, CBCCVC và người lao động được hưởng 03 khoản trợ cấp sau:
Trợ cấp hưu trí một lần cho số tháng nghỉ sớm
* Trường hợp nghỉ hưu trong thời hạn 12 tháng đầu tiên:
Mức trợ cấp = Lương tháng hiện hưởng x 0,9 x 60 tháng.
* Trường hợp nghỉ hưu từ tháng thứ 13 trở đi:
Mức trợ cấp = Lương tháng hiện hưởng x 0,45 x 60 tháng.
Trợ cấp cho số năm nghỉ hưu sớm
Cứ mỗi năm nghỉ sớm (đủ 12 tháng) thì được hưởng 04 tháng tiền lương hiện hưởng. Cụ thể cách tính như sau:
Mức trợ cấp = Lương tháng hiện hưởng x 4 x Số năm nghỉ sớm.
Trợ cấp theo thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc
Trường hợp 20 năm đầu công tác có đóng BHXH bắt buộc thì được trợ cấp 5 tháng tiền lương hiện hưởng; với số năm còn lại (từ năm thứ 21 trở đi), mỗi năm được trợ cấp bằng 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.
Công thức cụ thể:
Mức trợ cấp = Lương tháng hiện hưởng x 5 (đối với 20 năm đầu công tác có đóng BHXH bắt buộc) + 0,5 x Số năm công tác có đóng BHXH bắt buộc còn lại từ năm thứ 21 trở đi.
Đối với trường hợp có tuổi đời còn dưới 02 năm đến tuổi nghỉ hưu
Căn cứ điểm d, điểm đ khoản 2 Điều 7 Nghị định 178/2024/NĐ-CP quy định, trường hợp có tuổi đời còn ít hơn 02 năm mới đến tuổi nghỉ hưu thì được hưởng trợ cấp hưu trí một lần cho số tháng nghỉ sớm như cách tính cho người nghỉ hưu trong thời hạn 12 tháng đầu tiên được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Thông tư 1/2025/TT-BNV được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Thông tư 002/2025/TT-BNV:
Công thức cụ thể:
Mức trợ cấp = Lương tháng hiện hưởng x 1,0 x Số tháng nghỉ sớm.
* Lưu ý:
- Số tháng nghỉ sớm: Là số tháng tính từ thời điểm nghỉ hưu so với tuổi nghỉ hưu tại Phụ lục I hoặc Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP.
- Số năm nghỉ sớm: Là số năm tính từ thời điểm nghỉ hưu so với tuổi nghỉ hưu tại Phụ lục I hoặc Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP.
K.Hoàng (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)