Ý nghĩa phong thuỷ của cây hoa giấy
Hoa giấy nổi bật với khả năng biến đổi đa dạng, từ việc leo lên thành những chiếc cổng chào rực rỡ cho đến việc trang trí trong các chậu cây với các hình dạng khác nhau.
Loài cây này rất thích hợp với khí hậu nhiệt đới và có khả năng nở hoa quanh năm. Dù có thân cây cứng nhưng hoa giấy thuộc họ dây leo, với nhiều gai nhọn và lá nhỏ. Trong điều kiện thuận lợi, cây hoa giấy có thể phát triển đến độ dài ấn tượng lên đến 15m.
Hoa giấy có khả năng phát triển nhanh, vươn dài với nhiều cành và có gai. Lá của cây hoa giấy màu xanh thẫm quanh năm, có hình trái xoan với phần đỉnh hơi thuôn, gốc lá tròn và cong, mọc theo cách so le.
Các bông hoa giấy xuất hiện ở đầu ngọn cành, mọc thành từng chùm. Mặc dù chúng có nhiều màu sắc, nhưng thực chất, các màu sắc này đều từ những lá bắc tạo thành. Bên trong hình ống màu trắng hoặc hơi vàng thường được ba lá bắc bao quanh.
Theo phong thuỷ, cây hoa giấy là cây dạng leo và có nhiều cành, tạo nên một dáng vẻ xum xuê, biểu tượng cho sự đủ đầy, bảo vệ, và hạnh phúc vẹn tròn. Đặc biệt, hoa giấy có hoa với nhiều màu sắc tươi sáng, điều này cũng tượng trưng cho may mắn, phát tài, và phát lộc cho gia đình. Thêm vào đó, theo quan niệm dân gian, hoa giấy còn được cho là có khả năng xua đuổi tà ma và ngăn chặn điềm xấu.
Hoa giấy mang nhiều ý nghĩa về mặt phong thủy, mang đến may mắn cho gia chủ, ngăn chặn tà khí để mọi sự được hạnh phúc và bình an. Cây cũng mang ý nghĩa lớn về sự tài lộc và giàu có. Nhờ mang nhiều ý nghĩa về phong thủy và tâm linh mà hoa giấy thường được lựa chọn để trồng trước cửa nhà.
Hoa giấy trổ bông, nở rộ.
Để hoa giấy nở rộ và tươi lâu từ nay đến Tết, hãy áp dụng ngay bí quyết tưới dưỡng chất dưới đây.
Nguyên tắc chăm sóc hoa giấy để hoa nở đẹp
Hoa giấy là loại cây ưa nắng và đất khô ráo. Vì vậy, để cây ra nhiều hoa, việc điều chỉnh chế độ nước tưới, ánh sáng và dinh dưỡng là rất quan trọng. Trong giai đoạn kích thích ra hoa, bạn cần giảm tưới nước, đảm bảo cây được tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời.
Tuy nhiên, chỉ ánh sáng và nước là chưa đủ. Để hoa giấy nở đều, bông to và màu sắc tươi sáng, cây cần được bổ sung thêm dưỡng chất. Bí quyết chính là sử dụng nước vo gạo kết hợp với một số nguyên liệu đơn giản khác.
Tưới nước vo gạo kết hợp phân bón hữu cơ
Lợi ích của nước vo gạo:
Nước vo gạo giàu dưỡng chất như tinh bột, vitamin nhóm B và khoáng chất, rất tốt cho sự phát triển của cây. Khi kết hợp với phân bón hữu cơ như phân chuồng hoai mục hoặc phân trùn quế, cây sẽ được cung cấp đủ dinh dưỡng để kích thích ra hoa.
Cách thực hiện:
Chuẩn bị nước vo gạo (ưu tiên nước vo lần thứ hai để tránh lắng cặn).
Trộn nước vo gạo với một ít phân bón hữu cơ (tỷ lệ 3:1) và để hỗn hợp nghỉ 1-2 ngày để lên men nhẹ.
Tưới trực tiếp hỗn hợp này dưới gốc cây, cách tuần một lần.
Ngoài ra, bạn có thể bổ sung một ít kali bằng cách hòa tan vỏ chuối xay nhuyễn với nước, sau đó tưới vào gốc để hoa có màu sắc tươi thắm hơn.
Lưu ý: Chỉ tưới vào sáng sớm hoặc chiều mát, tránh tưới lúc trời nắng gắt.Không tưới quá nhiều để tránh gây úng gốc.
Cắt tỉa lá và cành già để cây tập trung dinh dưỡng nuôi hoa.
Với cách chăm sóc này, hoa giấy của bạn sẽ nở bừng sắc, tươi tắn suốt mùa Tết, mang đến vẻ đẹp rực rỡ và không gian đầy sức sống cho ngôi nhà.
Hoàng Anh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)