1. Giúp trẻ phát triển thói quen đọc sách
Đọc sách giúp trẻ cảm thấy bình tĩnh và tìm được chính mình qua những trang sách. Không chỉ vậy, nó còn giúp trẻ mở rộng được tầm nhìn, nhận thức các vấn đề qua nhiều góc độ khác nhau ở một tầm cao hơn. Đây cũng là yếu tố giúp trẻ luôn tự tin và đối diện với khó khăn một cách dũng cảm hơn.
2. Giúp trẻ nhận ra chính mình
Khi trẻ không hài lòng về mình, chúng sẽ dễ dàng phát triển cảm xúc tiêu cực dẫn tới sự tự ti và mặc cảm. Trước tiên, cha mẹ nên giúp trẻ học cách chấp nhận sự không hoàn hảo của bản thân và nhìn thấy những thế mạnh của riêng mình.
Có rất nhiều trẻ tự ti là do ngoại hình. Hãy nghiêm túc nói với trẻ rằng bé rất tuyệt, dù cho không có một đôi mắt to nhưng ánh mắt của trẻ rất có thần – mỗi người đều có cái đẹp của riêng mình. Hay đối với những trẻ tự ti mình không thông minh, hãy nói với trẻ rằng trẻ có những tài năng riêng của mình mà đôi khi người khác không có được...
3. Từ chối so sánh với người khác
Hình thức giáo dục ít được ủng hộ nhất là cha mẹ thường so sánh con mình với những đứa trẻ khác, việc này sẽ khiến trẻ hình thành suy nghĩ “mình không tốt, mình rất ngốc”. Vì vậy, cha mẹ không nên so sánh con với người khác, bởi ai cũng có ưu – khuyết điểm của mình.
Cha mẹ chỉ cần so sánh con cái với chính bản thân để thấy sự tiến bộ từng ngày của con
4. Học cách tôn trọng ý kiến của con
Khi đối diện với sự lựa chọn, trẻ sẽ có những ý tưởng riêng. Mặc dù suy nghĩ của trẻ có thể không đúng, nhưng cha mẹ đừng vội xem nhẹ và phủ định mà hãy kiên trì lắng nghe ý kiến của con, để tránh trẻ cảm thấy tự ti và không được xem trọng. Những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ qua và từ chối khi có ý kiến trong một thời gian dài sẽ dần trở nên tự ti và tạo ra cảm giác tiêu cực về sự thấp kém của mình.
5. Trả lời con một cách kiên nhẫn
Trẻ thường có những câu hỏi ngây thơ và rất dễ thương, chúng sẽ đặt nhiều câu hỏi tò mò về thế giới xung quanh mình, vì vậy cha mẹ không nên nôn nóng với con cho dù đang bận rộn công việc nhà, mà hãy thể hiện sự vui vẻ và kiên nhẫn giải thích cho con hiểu, để trẻ cảm thấy được giao tiếp và thỏa mãn sự tò mò. Ngược lại, nếu cha mẹ có thái độ xem thường, chê bai... sẽ rất dễ khiến trẻ cảm thấy bị xúc phạm, thay vì đặt câu hỏi, chúng sẽ giữ im lặng và ngại giao tiếp ở những lần tiếp theo.
Cha mẹ không chỉ là người chăm sóc con mà còn đóng vai trò như một hướng dẫn viên hàng ngày, để giúp con học hỏi và khám phá được nhiều điều trong cuộc sống. Chính vì vậy đòi hỏi cha mẹ phải hết sức kiên nhẫn và quan tâm đến con, đồng hành cùng con để vượt qua những khó khăn.
Vivian (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)