Hiện nay, bếp gas vẫn là một trong những đồ dùng được nhiều người sử dụng để nấu nướng. Tuy nhiên, thói quen để bình gas ngay dưới bếp cực kỳ nguy hiểm, rất dễ gây cháy nổ.
Theo các chuyên gia chia sẻ, thay vì đặt bình gas ngay dưới bếp nấu theo cách mà nhiều gia đình vẫn thường làm, mọi người nên chọn vị trí đặt bình gas đáp ứng đủ 3 điều kiện sau:
- Khoảng cách từ bình gas đến bếp gas từ 1-1,5m. Nếu chịu khó xem hướng dẫn thì mọi người sẽ thấy đây là khuyến cáo của các nhà sản xuất, khoảng cách này được cho là để đảm bảo an toàn cho chúng ta trong quá trình sử dụng.
- Không đặt bình gas ở gần các thiết bị điện và ổ cắm, công tắc điện.
- Không đặt bình gas trong không gian kín, thay vào đó nên để chúng ở nơi có không gian mở, càng thông thoáng càng tốt. Nếu lo ngại vấn đề thẩm mỹ của khu vực bếp, các bạn có thể đặt chúng ở trong tủ bếp, song vẫn phải đảm bảo thông khí.
Những lưu ý khi sử dụng bình gas
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn khi sử dụng gas, phòng tránh cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng, mọi người còn cần chú ý thêm 5 điều sau:
- Mua bình gas nhớ chọn thương hiệu và đơn vị cung cấp uy tín, có dán tem nhãn rõ ràng, đặc biệt là tem chống hàng giả. Sử dụng bình gas mới và nói không với các bình gas cũ, rỉ sét vì có khả năng gây cháy nổ rất lớn.
- Khi bật bếp sử dụng, chị em nên đứng ngay trong bếp để sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường và kịp thời xử lý.
- Luôn cảnh giác với mùi gas. Nếu ngửi thấy mùi gas, cần lập tức kiểm tra bình gas cùng dây dẫn xem có rò rỉ không và thời điểm này, tốt nhất đừng bật bếp hay làm phát sinh bất cứ nguồn nhiệt nào hoặc thậm chí là không được đụng vào các thiết bị điện, điện tử như điện thoại di động, công tắc đèn hay quạt máy....
- Mở hết cánh cửa từ cửa sổ đến cửa chính để gió thổi khí gas thoát ra ngoài. Trong thời gian đó, các bạn hãy tìm nguồn rò rỉ khí gas bằng cách cho ít nước xà phòng lên miếng bọt biển rồi bôi lên dây dẫn gas cùng van điều khiển, chỗ nào sủi bọt nghĩa là chỗ đó bị rò rỉ khí gas. Sau khi tìm được vị trí rò rỉ, hãy khóa chặt van và tháo bình gas ra rồi mang đến nơi có khả năng thông khí tốt.
- Tập thói quen sử dụng xong là khóa van ngay, việc làm này giúp chúng ta hạn chế được các rủi ro rò rỉ khí gas do ống dẫn khí bị thủng làm khí gas thoát ra ngoài.
- Định kỳ thay dây dẫn và van gas thường xuyên theo khuyến cáo của nhà sản xuất, thông thường khoảng cách các lần thay là từ 3 đến 5 năm.
Cách xử lý khi xảy ra cháy nổ bình gas
Dù tuân thủ một cách nghiêm túc các quy tắc an toàn nói trên nhưng vẫn xảy ra rủi ro cháy nổ thì nên học cách xử lý nhanh để giảm thiểu tối đa các thiệt hại, cụ thể:
- Khi xảy ra nổ bình gas, khí gas sẽ sớm gây nên đám cháy lớn vì chúng tiếp xúc với lượng oxy trong không khí, nên phải tìm cách dập tắt, ngăn đám cháy lan rộng.
- Không dập tắt ngọn lửa bằng nước vì cách này sẽ khiến đám cháy lan rộng và nhanh hơn đến các vật dụng có khả năng bắt lửa trong nhà. Thay vào đó, nên lấy tấm vải (khăn, mền hoặc quần áo) nhúng nước phủ lên đám cháy để ngăn lan rộng hơn.
- Nếu có thể, dùng miếng giẻ thấm nước đến khu vực bình gas và ngắt bếp, đóng van lại. Tuy nhiên, chỉ nên làm việc này nếu đó là đám cháy nhỏ, còn đám cháy to thì không nên.
- Sau đó, lấy miếng vải khác nhúng nước và phủ lên người mình rồi tìm cách thoát ra ngoài, vừa dùng khăn phủ người, vừa dùng tay che miệng và mũi để khí độc không xâm nhập vào cơ thể gây hôn mê. Cách này giúp chị em đảm bảo an toàn và tránh gây bỏng da.
- Nên trang bị sẵn bình cứu hỏa trong nhà để kịp thời dập tắt lửa do nổ bình gas gây ra và hạn chế các rủi ro thương tích cho mình và người thân trong nhà.
Thùy Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)