Quốc lộ 1A đi qua những tỉnh, thành nào?
Với chiều dài hơn 2.300 km, Quốc lộ 1A đã trở thành đường quốc lộ dài nhất Việt Nam. Đây cũng là tuyến đường giao thông huyết mạch nối liền 2 đầu đất nước ta, bắt đầu tại cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) và kết thúc tại thị trấn Năm Căn (tỉnh Cà Mau).
Đồng thời, quốc lộ này nối liền 4 thành phố lớn là Hà Nội – Đà Nẵng – TP.HCM – Cần Thơ và đi qua 31 tỉnh, thành của 6/7 vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam. Gồm:
- 02 tỉnh của Vùng trung du và miền núi phía Bắc là Lạng Sơn, Bắc Giang.
- 04 tỉnh, thành của Vùng đồng bằng sông Hồng là Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình
- Tất cả 14 tỉnh, thành của Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận.
- 03 tỉnh, thành của Vùng Đông Đoạn đường quốc lộ 1A đi qua Bình Thuận dài nhất với 178,5km.Bộ là Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM
- Và cuối cùng đi qua 8 tỉnh, thành của Vùng đồng bằng sông Cửu Long là Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.
Tỉnh nào có đường quốc lộ1A dài nhất?
Trong số các tỉnh thành mà mình đi qua thì đoạn quốc lộ 1A đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận là dài nhất với 178.5km. Xếp thứ hai là tỉnh Khánh Hòa với 151,9km, thứ ba là Hà Tĩnh với 125km.
Đoạn đường quốc lộ 1A đi qua Bình Thuận dài nhất với 178,5km.
Bình Thuận là một tỉnh duyên hải cực Nam Trung Bộ nằm liền kề với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tỉnh giáp Ninh Thuận ở phía Bắc - Đông Bắc, phía Tây Bắc giáp tỉnh Lâm Đồng, phía Đông - Đông Nam giáp biển Đông, giáp tỉnh Đồng Nai ở phía Tây và phía Tây Nam giáp tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
Bình Thuận có diện tích tự nhiên khoảng 7.992 km2, dân số hơn 1,2 triệu người, với các dân tộc: Kinh, Hoa, Chăm... sống rất hòa thuận với nhau. Tỉnh có 10 đơn vị hành chính, bao gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 8 huyện, trong đó thành phố Phan Thiết là trung tâm văn hóa - chính trị - kinh tế - xã hội của tỉnh.
Địa hình Bình Thuận chủ yếu là đồi núi thấp, đồng bằng ven biển nhỏ hẹp, địa hình hẹp ngang kéo theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, phân hoá thành 4 dạng địa hình chính gồm đất cát và cồn cát ven biển, đồng bằng phù sa, vùng đồi gò và vùng núi thấp. Bình Thuận nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, nhiều nắng, nhiều gió, không có mùa đông và khô hạn nhất cả nước. Khí hậu nơi đây phân hóa thành 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô.
Bình Thuận có bề dày lịch sử, văn hoá lâu đời, nhất là văn hoá Chăm pa với nhóm di tích Tháp Po Sah Inư, đền thờ Po Klong Mơhnai và hơn 100 bảo vật hoàng tộc Chăm nguyên gốc quý hiếm được bà Nguyễn Thị Thềm, hậu duệ vua Chăm lưu giữ, trong đó có vương miện, áo bào, hia hài, vòng xuyến của vua và hoàng hậu.
Ngoài việc có tuyến Quốc lộ 1A dài nhất đi qua địa bàn tỉnh thì hạ tầng cơ sở giao thông của Bình Thuận tương đối hoàn chỉnh, là lợi thế rất lớn để thu hút khách du lịch và vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực du lịch và công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bình Thuận cách thành phố Hồ Chí Minh 200km, cách Bà Rịa - Vũng Tàu 120 km có các tuyến đường, bên cạnh Quốc lộ 1A là quốc lộ 55, quốc lộ 28, đường sắt Bắc - Nam đi qua, đó là thế mạnh để phát triển kinh tế và du lịch của tỉnh nhà.
Hoàng Anh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)