Rắn ráo, còn được gọi là rắn chuột, thuộc chi Ptyas trong họ rắn nước (Colubridae). Các loài rắn thuộc chi này thường có kích thước lớn và chủ yếu phân bố ở khu vực châu Á. Trong hơn một thế kỷ qua, không có loài mới nào thuộc chi này được phát hiện và hiện các nhà khoa học ghi nhận 13 loài rắn ráo.
Rắn ráo xanh Bạch Mã - Loài vật mới được phát hiện ở Việt Nam, chưa có trên thế giới
Gần đây, các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế đã tiến hành nghiên cứu và phân tích các cá thể rắn ráo xanh (Ptyas nigromarginata) tại đỉnh núi Bạch Mã, thuộc Vườn Quốc gia Bạch Mã, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Kết quả phân tích hình thái và di truyền cho thấy những cá thể này không phải là rắn ráo xanh đã được ghi nhận trước đây mà là một loài mới. Loài rắn này được đặt tên là rắn ráo xanh Bạch Mã (Ptyas bachmaensis).
Rắn ráo xanh Bạch Mã có kích thước lớn, con đực dài đến 2,4m và con cái dài khoảng 1,6m. Loài rắn này có phần đầu màu nâu nổi bật, phân biệt rõ ràng với phần cổ. Chúng sở hữu đôi mắt to, con ngươi tròn và cơ thể màu xanh lục đậm. Các vảy dọc sống lưng có đường gờ nổi rõ, trong khi phần đuôi thuôn dài, nhọn và có màu đen. Phần bụng rắn thường có màu vàng nhạt hoặc trắng, với một số vảy hông viền đen. Đặc biệt, rắn ráo xanh Bạch Mã là loài không có nọc độc.
Việc phát hiện loài rắn ráo xanh Bạch Mã đã giúp xác định rằng Việt Nam hiện có hai loài rắn ráo xanh. Đặc điểm phân biệt giữa hai loài này là sọc trắng ở phần bên đuôi. Loài rắn ráo xanh Ptyas nigromarginata có sọc trắng rõ ràng, trong khi rắn ráo xanh Bạch Mã (Ptyas bachmaensis) không có đặc điểm này. Ngoài ra, hai loài cũng có khu vực phân bố khác nhau: rắn ráo xanh Bạch Mã sống từ Thừa Thiên-Huế đến Kon Tum, còn loài rắn ráo xanh còn lại phân bố ở khu vực phía Bắc.
Thu Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)