Vỉa hè (hay còn gọi là hè phố) là phần dọc theo hai bên đường, thường được lắp gạch chuyên dùng và là phần đường dành riêng cho người đi bộ.
Vỉa hè không phải là phần đường cho các phương tiện khác mà chỉ dành cho người đi bộ, các phương tiện khác đi trên vỉa hè đều là hành vi vi phạm luật giao thông (trừ việc đi lên vỉa hè để vào nhà).
Theo quy Luật Giao thông đường bộ, đối với những trường hợp sử dụng tạm thời một phần vỉa hè, lòng đường vào mục đích khác do UBND cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông và việc sử dụng vào mục đích khác này sẽ do UBND cấp tỉnh quy định riêng.
Hiện nay, trên thực tế, pháp luật có quy định xử phạt đối với một số hành vi liên quan đến vỉa hè như: đi xe trên vỉa hè, lấn chiếm vỉa hè, đỗ xe trên vỉa hè.
Đi xe máy trên vỉa hè bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ điểm g, khoản 3, Điều 6, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi điểm b, khoản 4, Điều 2, Nghị định số 123/2021/NĐ-CP quy định mức xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:
Điều 6. Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
...
3. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
...
g) Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường, làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều); điều khiển xe đi qua dải phân cách cố định ở giữa hai phần đường xe chạy; điều khiển xe đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà;
...
Như vậy, người điều khiển xe máy đi trên vỉa hè thì bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng. Tuy nhiên, trường hợp điều khiển xe máy đi qua vỉa hè để vào nhà thì không bị xử phạt.
Dắt xe máy đi ngược chiều trên vỉa hè có bị xử phạt?
Điều 36 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định:
“1. Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông.
2. Các hoạt động khác trên đường phố phải thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 35 của Luật này, trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác do UBND cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.
3. Không được thực hiện các hành vi sau đây:
a) Các hành vi quy định tại khoản 2 Điều 35 của Luật này.
b) Đổ rác hoặc phế thải không đúng nơi quy định.
c) Xây, đặt bục, bệ trái phép trên đường”.
Vỉa hè là lối đi riêng cho người đi bộ, nhưng không có biển báo hiệu cấm dắt xe. Do đó, việc dắt xe đi ngược chiều trên vỉa hè không vi phạm quy định của Luật Giao thông đường bộ nên không thể xử phạt vi phạm hành chính hành vi này.
Người tham gia giao thông dắt xe máy đi bộ ngược chiều trên vỉa hè khi thấy cảnh sát (Ảnh minh họa)
Điều 9 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định quy tắc chung khi tham gia giao thông như sau:
“1. Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ”.
Như vậy, khi đi trên vỉa hè, pháp luật hiện không quy định chiều đi. Do đó, việc dắt xe máy ngược chiều trên vỉa hè không vi phạm quy định của Luật Giao thông đường bộ nên không thể xử phạt vi phạm hành chính hành vi này.
Tuy nhiên, nếu người tham gia giao thông đi ngược chiều, khi thấy cảnh sát giao thông mới xuống xe và dắt bộ lên vỉa hè thì vẫn bị xử phạt hành chính về hành vi đi ngược chiều trước đó.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)