Tác hại của mọt gạo
Trong thùng gạo của nhiều gia đình, thi thoảng để lâu sẽ xuất hiện mọt gạo, một loại côn trùng gây hại cho ngũ cốc. Trong quá trình sản xuất và chế biến ngũ cốc, để giữ lại nhiều chất dinh dưỡng, quy trình chế biến thường tương đối đơn giản, tuy có thể tiêu diệt côn trùng trưởng thành nhưng đôi khi lại tạo điều kiện cho trứng ký sinh trong hạt gạo.
May mắn là độ ẩm trong gạo không cao, trong điều kiện bình thường sẽ không có côn trùng. Thế nhưng, chỉ cần ẩm hơn một chút, thùng gạo sẽ trở thành "thiên đường" cho ấu trùng mọt gạo phát triển, các chất dinh dưỡng trong gạo sẽ trở thành chất nuôi dưỡng chúng.
Gạo để lâu thường xuất hiện mối mọt, nếu mang đi nấu cơm thì không còn hương vị thơm ngon, làm giảm giá trị dinh dưỡng và hương vị tự nhiên.
Mặc dù các loại côn trùng nhỏ xuất hiện trong ngũ cốc như mọt gạo có thể gây hại cho thực phẩm, nhưng hầu hết các loại côn trùng nhỏ này sẽ không gây nguy hiểm như cắn hoặc lây bệnh cho người.
Đối với mọt gạo, ngay cả khi con người ăn phải chúng thì cũng không bị đe dọa đến sức khoẻ. Điều cần lưu ý là nếu gạo có quá nhiều bọ gạo trưởng thành thì sẽ sinh ra chất tiết benzoquinone, chất này có hại cho cơ thể nên nếu gạo bị vón cục và biến chất thì không nên tiếp tục ăn.
Mẹo bảo quản gạo không bị mọt
Bảo quản bằng tỏi
Tỏi có tác dụng ngăn mối mọt tấn công và sinh sôi nên gạo bạn mua về có trữ lâu cũng hoàn toàn sạch sẽ và an toàn cho sức khỏe. Ngoài việc hạn chế mối mọt tấn công, tỏi còn giúp cho chất lượng gạo được giữ nguyên một cách tối đa.
Cách bảo quản:
Đầu tiên, bạn cho gạo vào hộp nhựa hoặc thùng to có nắp đều được. Sau khi cho hết gạo vào, bạn lấy vài tép tỏi bóc vỏ đi rồi cho tỏi lên trên gạo. Tùy theo hộp gạo to hay nhỏ mà bạn tăng giảm lượng tỏi cho phù hợp. Sau khi cho tỏi vào, bạn đậy nắp kín lại.
Bảo quản gạo bằng ớt
Ớt là thực phẩm không chỉ được dùng để tăng thêm vị ngon cho các bữa ăn mà còn có tác dụng đuổi mối mọt trong gạo. Mùi cay nồng của ớt sẽ khiến mọt khó chịu mà bỏ đi.
Cách bảo quản:
Bạn cắt đôi quả ớt, moi bỏ hạt cho vào thùng gạo.
Bảo quản gạo bằng muối
Ngoài cách bảo quản bằng tỏi, muối cũng có công dụng “bài trừ” các loại mỗi mọt ra khỏi gạo của bạn đấy. Khi ăn gạo, nếu nuốt phải muối mặn, mối mọt sẽ sợ và cũng sẽ bỏ đi.
Cách bảo quản:
Hãy rắc đều một chút muối vào thùng gạo. Tuy nhiên không nên rắc nhiều muối vì có thể khiến gạo mặn, lại làm cho gạo dễ bị ẩm.
Bảo quản gạo trong tủ lạnh
Một cách khác giúp bạn bảo quản gạo hiệu quả, đó là đặt gạo vào trong tủ lạnh.
Cách bảo quản:
Ở nhiệt độ thấp hơn 15 độ C, bạn có thể để gạo trong tủ lạnh khoảng 4 đến 5 ngày trước khi cho vào thùng đựng gạo.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng Nhật Bản, cách này có thể tiêu diệt cũng như ngăn không cho mối mọt đẻ trứng, sinh sôi nảy nở. Tuy nhiên, tủ lạnh trong các gia đình thường không quá lớn, vì vậy gạo nên được chia nhỏ vào các túi zipper trước khi đem để vào tủ lạnh.
Gạo là loại thực phẩm hút ẩm cao nên bạn cần bảo quản ở nơi thật thoáng mát, khô ráo. Tuyệt đối không để gạo ở những nơi có độ ẩm cao hoặc có ánh nắng trực tiếp của mặt trời chiếu vào. Nắng và độ ẩm có thể làm cho gạo bị giảm sút chất lượng, hoặc mất đi hương vị và hàm lượng chất dinh dưỡng trong gạo.
Ngoài gạo ra, bạn cũng có thể áp dụng cách này để bảo quản các loại ngũ cốc và gia vị trong nhà bếp của mình nữa đấy.
Bảo quản trong thùng đựng gạo chuyên dụng
Sử dụng thùng đựng gạo chuyên dụng giúp bạn tiết kiệm được không gian bếp của gia đình. Hơn nữa, bạn có thể cân đo chính xác lượng gạo cần thiết cho mỗi bữa ăn và đảm bảo an toàn sức khỏe cho các thành viên trong gia đình mình nữa đó.
Bạn nên chọn mua hộp đựng gạo có dung tích phù hợp với số lượng thành viên trong gia đình bạn. Lưu ý đặt ở những nơi khô ráo, thông thoáng tránh những nơi ẩm thấp và tránh những vật dụng phát nhiệt như lò vi sóng, lò nướng nhé.
Bảo quản gạo trong túi nhựa, chai nhựa
Đây là cách bảo quản không chỉ mối mọt, mà bụi bẩn lẫn các loại côn trùng đều không thể tấn công gạo, vừa vệ sinh vừa an toàn cho cho sức khỏe.
Cách bảo quản:
Dùng túi nhựa hoặc chai nhựa khô hoàn toàn để cho gạo vào. Vì nếu có nước đọng bên trong thì gạo sẽ bị ẩm mốc. Như vậy vi khuẩn sẽ càng sinh sôi và càng gây hại hơn đấy.
Sau khi đổ gạo đầy túi (chai), bạn đậy thật chặt và mang đặt ở nơi khô ráo.
Cách xử lý khi gạo bị mọt
Lỡ như phát hiện gạo nhà bạn có bị mọt tấn công thì bạn tuyệt đối không được đem gạo đi phơi nắng, bởi khi phơi nắng thì mối mọt chúng sẽ lại chui vào nơi trú ẩn vì chúng rất sợ ánh sáng, song song đó gạo cũng có thể bị hết nước trở nên khô và vụn. Điều đó ảnh hưởng nhiều đến chất lượng gạo và có khả năng không thể sử dụng gạo để nấu cơm được nữa.
Thay vào đó bạn sàng gạo nhẹ nhàng để những con mọt bị rơi xuống, sao đó đem gạo phơi ở chỗ râm mát và thoáng gió để mối mọt tự rời đi.
Khoảng thời gian bảo quản gạo tốt nhất
Khi mua gạo, bạn nên mua một lượng gạo vừa phải, tốt nhất là đủ dùng trong vòng tối đa 2 tháng, không nên mua rồi tích trữ quá lâu.
Vào mùa thu, gạo được bảo quản tốt nhất trong vòng 1 tháng còn mùa hè, thời gian này rút ngắn xuống còn 2 tuần.
Như vậy trên đây là mẹo bảo quản gạo và xử lý sao cho đúng nếu như lỡ có bị mối mọt tấn công. Cạnh đó, nếu như gạo nhà bạn đựng trong thùng chứa bạn nhớ vệ sinh thùng thường xuyên, sau đó phơi thật khô mỗi khi thay gạo mới nhé. Có như vậy mới có thể đảm bảo được chất lượng của gạo và sức khỏe cũng không bị ảnh hưởng bạn nhé.
N.Minh (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)