Đất nền ở Hòa Lạc tăng do hạ tầng bứt tốc
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 7/2011, Hòa Lạc là một trong năm đô thị vệ tinh của Hà Nội và là đô thị có quy mô lớn nhất, với tổng diện tích khoảng 17.274ha. Quy hoạch dự kiến đến năm 2030 và các năm tiếp theo, đô thị này sẽ có dân số khoảng 600.000 người.
Về địa giới hành chính, đô thị Hòa Lạc trải rộng trên địa bàn các huyện Thạch Thất, Quốc Oai và thị xã Sơn Tây. Phía Bắc giáp trục Hồ Tây – Ba Vì, phía Đông là sông Tích, phía Tây và Nam giáp tỉnh Hòa Bình.
Giá đất nền tại đô thị Hòa Lạc tăng "nóng" (Ảnh minh họa).
Khu vực này kết nối trực tiếp với trung tâm Thủ đô qua nhiều tuyến giao thông hiện hữu và tương lai như Đại lộ Thăng Long, cao tốc Hà Nội – Hòa Bình, tuyến metro số 5, trục Hồ Tây – Ba Vì…
Từ đầu năm 2025, Hòa Lạc liên tiếp đón nhận nhiều thông tin tích cực về hạ tầng và quy hoạch. Đáng chú ý, vào đầu tháng 3/2025, UBND TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Đây là bước đi quan trọng nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025, thông qua việc đẩy nhanh các dự án hạ tầng quy mô lớn, trong đó có tuyến đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc) với chiều dài gần 39km đi qua khu vực này.
Song song, tại tỉnh Hòa Bình – khu vực giáp ranh phía Tây đô thị vệ tinh – các dự án kết nối vùng cũng đang được đẩy nhanh. Tuyến đường liên kết từ huyện Kim Bôi đến cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình dự kiến sẽ hoàn thành và bàn giao mặt bằng trong quý II/2025.
Trước đó, vào tháng 10/2024, UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt 4 đồ án quy hoạch phân khu đô thị Hòa Lạc với ký hiệu HL3, HL4, HL5 và HL6, tổng diện tích khoảng 4.700ha, góp phần định hình rõ ràng hơn quy hoạch tổng thể của khu vực.
Cụ thể giá đất ở từng xã
Nhờ lực đẩy từ hạ tầng, mặt bằng giá đất nền tại Hòa Lạc và các khu vực lân cận đã tăng rõ rệt trong những tháng đầu năm 2025. Khảo sát từ Batdongsan.com.vn cho thấy mức giá nhiều nơi đã tăng từ 5 – 10%, thậm chí cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Phối cảnh đô thị Hòa Lạc trong tương lai (Ảnh minh họa).
Tại huyện Thạch Thất, các điểm nóng về giá bao gồm:
Xã Tiến Xuân: Đất mặt tiền đường tăng từ 27–30 triệu đồng/m2 lên 29–32 triệu đồng/m2.
Xã Bình Yên: Tăng từ 20–22 triệu đồng/m2 lên 22–24 triệu đồng/m2.
Xã Thạch Hòa (trục đường đôi): Tăng từ 35–36 triệu đồng/m2 lên 38–40 triệu đồng/m2.
Xã Tân Xã:
Đất mặt tiền đường kinh doanh tăng từ 34–36 triệu đồng/m2 lên 37–40 triệu đồng/m2.
Đất đường 2 ô tô tránh nhau tăng từ 22–25 triệu đồng/m2 lên 24–27 triệu đồng/m2.
Tại huyện Quốc Oai, mặt bằng giá cũng được điều chỉnh theo chiều hướng tăng:
Xã Phú Mãn: Tăng từ 12–13 triệu đồng/m2 lên 13–14 triệu đồng/m2.
Xã Phú Cát: Tăng từ 10–13 triệu đồng/m2 lên 11,5–14 triệu đồng/m2.
Xã Hòa Thạch (đường ô tô vào được): Tăng từ 21–23 triệu đồng/m2 lên 23–25 triệu đồng/m2.
Xã Đông Yên (tỉnh lộ 412B): Tăng từ 37–41 triệu đồng/m2 lên 40–43,5 triệu đồng/m2.
Đất sâu trong làng: Tăng từ 9–11 triệu đồng/m2 lên 10,5–12 triệu đồng/m2.
Tại thị xã Sơn Tây, khu vực gần Khu công nghệ cao và các tuyến đường trọng điểm cũng ghi nhận sự biến động:
Đường Đồng Trạng (mặt đường 18m, gần metro số 5): Giá tăng từ 29–30 triệu đồng/m2 lên 30–31 triệu đồng/m2.
Xã Cổ Đông:
Đất mặt đường lớn, ô tô tránh nhau: Tăng từ 26–29 triệu đồng/m2 lên 28–30,5 triệu đồng/m2.
Đất trong làng, không kinh doanh được: Tăng từ 12–14 triệu đồng/m2 lên 15–18 triệu đồng/m2.
Ánh Dương (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)