Ở các thành phố lớn, khi diện tích nhà ở chật hẹp việc đặt những chậu cây cảnh trước nhà là tình trạng dễ gặp. Nhiều gia đình đặt hai chậu cây hai bên cửa nhà thuộc vào phạm vi đất ngoài đất gia đình.
Việt Nam có Luật giao thông đường bộ để quy định những vấn đề liên quan tới việc sử dụng lòng lề đường. Việc đặt chậu cây cảnh trước nhà có thể đối chiếu với quy định tại Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Theo đó luật quy định nghiêm cấm các hành vi sau:
- Đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường; lấn, chiếm hoặc sử dụng trái phép đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ.
- Sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép.
Như vậy nếu chậu cây trước cửa nhà đã nằm ra ngoài phạm vi đất của gia đình thì sẽ vi phạm pháp luật. Trong trường hợp một số gia đình xây nhà lùi vào trong để thừa một khoảng đất phía trước tiếp giáp với đường, và đặt chậu cây trong khu vực này, tức vẫn thuộc phạm vi đất sử dụng của gia đình thì sẽ không gọi là vi phạm.
Điều 35, Điều 36 trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cũng quy định lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Không được thực hiện các hành vi sau đây:
- Phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ;
- Đặt biển quảng cáo trên đất của đường bộ;
- Che khuất biển báo hiệu, đèn tín hiệu giao thông;
- Hành vi khác gây cản trở giao thông.
Như vậy trước nhà bạn nhưng không còn thuộc phạm vi đất nhà bạn thì bạn không có quyền đặt chậu cây, hay bất cứ vật gì cản trở giao thông. Những chậu cây, biển bán hàng, phơi thóc, rơm rạ, phơi thực phẩm đồ dùng... nằm trên diện tích lòng lề đường đều vi phạm. Nhiều gia đình không đặt trực tiếp chạm đất nhưng treo biển hoặc làm thanh treo ngang vượt qua khỏi diện tích nhà rồi treo biển vẫy chậu cây thì đó là hành vi cản trở giao thông, cản trở tầm nhìn của người tham gia giao thông.
Mức xử phạt thế nào?
Điểm b khoản 5, khoản 10 Điều 12 Nghị định 100/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt như sau:
(Ảnh minh họa)
- Phạt tiền 2-3 triệu đồng đối với cá nhân, 4-6 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi thực hiện các hoạt động gây cản trở giao thông. Đồng thời, người vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu dọn vật tư, chậu cây và khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.
- Nếu các hành vi vi phạm như sử dụng chậu cây, vật cản trở vào lòng lề đườn và gây cản trở dẫn tới tai nạn giao thông nghiêm trọng thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì "Tội cản trở giao thông đường bộ" theo Điều 261 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017); đồng thời phải bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản, tinh thần cho người bị thiệt hại theo quy định pháp luật dân sự.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)