Trong xã hội phong kiến Trung Quốc thời xưa, địa vị của nam giới và phụ nữ có sự khác nhau rất lớn, việc trọng nam khinh nữ là điều hiển nhiên. Nam giới là người làm chủ gia đình, có quyền quyết định mọi việc, cho dù họ có năm thê bảy thiếp thì cũng là điều hết sức bình thường. Trong khi đó, phụ nữ luôn phải tuân theo tam tòng tứ đức, chịu đựng đủ mọi áp bức vô lý.
Thời xưa, địa vị của gia đình rất quan trọng, dù bạn có xinh đẹp, tài giỏi đến đâu mà không có gia thế, không có địa vị thì không thể gả vào nhà là vợ chính thất. Bởi vì khi đó, ngoài sự đồng ý của cha mẹ, còn có lời người mai mối thì phụ nữ mới được gả đi, nếu gia đình không có địa vị thì hai điều trên sẽ khó mà xảy ra. Và dù nữ nhân có địa vị cao đến đâu trước khi kết hôn, thì sau khi lấy chồng cũng sẽ phải phục tùng nhà chồng. Nếu người phụ nữ được chồng chiếu cố, yêu thương thì địa vị của họ sẽ càng vững vàng. Ngược lại, khi phụ nữ bị chồng bỏ rơi, ghẻ lạnh thì địa vị của họ trong gia đình cũng sẽ bị hạ thấp.
Trong gia đình, người chồng sẽ có quyền lực lớn nhất, tiếp đến là người vợ chính thất của anh ta còn số phận của những người thê thiếp thì khá bi thảm. Cuộc sống của người vợ lẽ không chỉ phụ thuộc vào tướng mặt của người chồng mà còn phải lấy lòng người vợ chính thất. Nếu vợ chính thất tốt tính thì người vợ lẽ sẽ có một môi trường sống tốt và ngược lại, nếu vợ chính cay nghiệt thì chắc hẳn những người vợ lẽ này sẽ rất khó sống. Họ có thể bị ép phải làm một số việc giống như kẻ hầu người hạ trong nhà, dù có cự tuyệt cũng không có kết quả tốt.
Nếu may mắn được người chồng sủng ái, cuộc sống của những thê thiếp này có thể tương đối thoải mái. Nhưng một khi đã bị thất sủng, lại còn bị vợ chính ghen ghét thì cuộc sống của người thiếp dù sống trong nhung lụa cũng rất khó khăn. Những thê thiếp này phải được vợ chính cung cấp nguồn sống hàng ngày, có thể nói vợ chính cũng giống như ông chủ, mọi người trong gia đình đều tuân theo mệnh lệnh của cô ta. Vậy nên, những người vợ lẽ này cũng sẽ lâm vào cảnh túng quẫn nếu không được vợ chính nương tay chiếu cố.
Trong thời phong kiến, mọi người đều rất chú trọng việc nối dõi tông đường, bởi vì họ tin rằng càng có nhiều con, gia đình sẽ càng hưng vượng. Vì thế, nếu người thê thiếp có thể mang thai và sinh được nhiều con trai thì địa vị của họ sẽ càng được củng cố. Tuy nhiên, thực tế, ngoài việc sinh con đẻ cái cho nam chủ, người thiếp còn có một chức năng khác, đó là trở thành kẻ mua vui giữa các nam nhân. Một số nam chủ sẽ tặng quà cho nhau sau khi hết tình cảm với những người thiếp của mình hoặc cũng có thể nam chủ sẽ chuyển giao và mua bán những người thiếp này để tạo dựng mối quan hệ với người khác. Việc coi những người vợ lẽ giống như một món hàng mua đi bán lại phần nào cho thấy địa vị của họ trong thời cổ đại thực sự quá thấp kém, dù phải làm việc đáng xấu hổ này nhưng họ không có quyền phản kháng hay chống đối.
Phương Anh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)