Ông Công ông Táo là ai?
Theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam, ông Công ông Táo có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ công, Thổ địa, Thổ kỳ của Lão giáo Trung Quốc, về sau được Việt hóa thành sự tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Người dân từ đó gọi chung là Táo quân hoặc ông Táo.
Cúng ông Công ông Táo trước ngày 23 tháng Chạp sẽ bị trách phạt, mất lộc, đúng không?
Tết ông Công ông Táo năm 2025 sẽ diễn ra vào ngày 23 tháng Chạp năm Giáp Thìn (tức là vào thứ Tư, ngày 22/1/2025 Dương lịch).
Ngày nay, do những yếu tố khách quan như công việc, học tập nên không phải nhà nào cũng có thể cúng Táo quân đúng ngày mà thường sẽ cúng trước. Vậy cúng Táo quân trước ngày 23 có được không?
Về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, tùy vào điều kiện thời gian của mỗi gia đình mà lựa chọn ngày, giờ cúng là khác nhau.
Các gia đình hoàn toàn có thể cúng ông Công, ông Táo trước ngày 23 tháng Chạp khoảng 1 - 2 ngày. Tuy nhiên, không nên cúng muộn hơn 23h ngày 23 tháng Chạp.
Bởi theo quan niệm dân gian, mỗi năm chỉ có một ngày Ngọc hoàng nghe các Táo báo cáo, do đó Táo quân cần phải lên thiên đình đúng giờ để kịp vào chầu.
Cũng theo các chuyên gia, giờ Ngọ (11 - 13 giờ) của ngày 23 tháng Chạp được coi là thời điểm đẹp nhất để thực hiện lễ cúng tiễn Táo quân. Tuy nhiên, gia chủ có thể làm lễ ông Công, ông Táo vào các ngày trước đó như:
Ngày 19 tháng Chạp (ngày 18/1, thứ Bảy): giờ Thìn (7h-9h), Ngọ (11h-13h), Mùi (13h-15h), Tuất (19h-21h).
Ngày 20 tháng Chạp (ngày 19/1, Chủ nhật): giờ Sửu (1h-3h), Mão (5h-7h), Ngọ (11h-13h), Thân (15h-17h), Dậu (17h-19h).
Ngày 21 tháng Chạp (ngày 20/1, thứ Hai): giờ Dần (3h-5h), Mão (5h-7h), Tỵ (9h-11h), Thân (15h-17h), Tuất (19h-21h), Hợi (21h-23h).
Lễ cúng ông Công ông Táo cần phải chuẩn bị gì?
Một lễ cúng ông Công ông Táo đầy đủ gồm mâm cỗ mặn hoặc cỗ chay cùng các lễ vật như hoa quả, tiền vàng, trà, trầu cau và cá chép, đặc biệt kiêng kỵ thịt chó, thịt chim. Ngoài ra, lễ vật không thể thiếu 3 bộ áo mũ Táo quân gồm 1 bộ không có cánh chuồn dành cho Táo bà và 2 bộ có cánh chuồn dành cho 2 Táo ông. Cả 3 bộ đều phải có kèm đủ hia hài và màu sắc tùy theo ngũ hành của năm.
Mỗi gia đình nên chuẩn bị 3 con cá chép thật hoặc 3 con cá chép giấy với ý nghĩa làm “ngựa” tiễn ông Công ông Táo về trời và không được phép ném cá chép từ trên cao xuống hồ. Hơn nữa, nếu có ý định phóng sinh cá chép thật thì nên có kế hoạch trước đó để chọn nơi phóng sinh sạch sẽ.
Lưu ý: các gia đình không nên cầu xin tài lộc, công danh, tình duyên khi thực hiện nghi lễ cúng
Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)