Nằm trên trục thần đạo của Tử Cấm thành - Đại nội Huế, điện Kiến Trung là một trong 5 công trình tiêu biểu và quan trọng bên cạnh điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, điện Càn Thành và cung Khôn Thái dưới thời nhà Nguyễn.
Điện Kiến Trung được khởi công xây dựng vào tháng 2 năm 1921 dưới triều vua Khải Định và năm 1923 thì hoàn tất. Theo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, điện Kiến Trung, hay còn gọi là lầu Kiến Trung được xây dựng dưới thời vua Khải Định với chữ "Kiến" mang nghĩa dựng lên, thành lập, chữ "Trung" hàm ý ngay thẳng, không thiên lệch.
Công trình là hợp thể phong cách giữa Á và Âu, gồm có kiến trúc Pháp, kiến trúc phục hưng của Italy và kiến trúc cổ truyền Việt Nam. Với lối kiến trúc vô cùng độc đáo, điện Kiến Trung là nơi vua Khải Định và Bảo Đại sinh hoạt và làm việc.
Tuy nhiên, vào năm 1947, công trình đã bị chiến tranh phá hủy và trở thành phế tích. Trước ngày chưa phục hồi, trùng tu thì di tích chỉ còn lại nền móng và bị phủ lên một lớp cỏ xanh.
Do đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt Dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Kiến Trung” với mức kinh phí 123 tỉ đồng (tương đương 5,5 triệu USD thời điểm đó).
Theo đó, dự án tập trung trùng tu, tôn tạo các công trình trong khuôn viên ngôi điện như tường bao nền, hệ thống lan can, tu bổ lầu Kiến Trung, sân Tiền Viên và Hậu Viên, cùng các công trình nhỏ xung quanh và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cây xanh.
Sau hơn 4 năm khởi công kể từ tháng 10/2018, hiện nay công trình đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính, phần ngoại thất; đang tiến hành hoàn thiện và trang trí nội thất, đảm bảo chất lượng và tiến độ của dự án.
Giờ đây, điện Kiến Trung nổi bật bởi các chi tiết trang trí hoa văn, họa tiết mang đậm bản sắc của họa tiết cung đình.
Sau gần 5 năm tu bổ, phục hồi và tôn tạo, vào dịp Tết Giáp Thìn 2024, điện Kiến Trung - công trình cung điện độc đáo vừa mang nét uy nghi, bề thế chốn Hoàng cung triều Nguyễn vừa mang hơi thở thời đại thế kỉ XX với nét chấm phá ấn tượng của kiến trúc Tây phương chính thức hoàn thiện nội-ngoại thất, ra mắt công chúng.
Theo ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, sau khi công trình hoàn thành trùng tu, trung tâm sẽ triển khai công tác trưng bày hiện vật, tổ chức các không gian triển lãm mỹ thuật, không gian trưng bày và trải nghiệm với ứng dụng sản phẩm công nghệ hiện đại, tạo điểm nhấn về sản phẩm văn hóa phục vụ du khách.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)