Di sản thừa kế là gì?
Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 có quy định thừa kế là việc chuyển dịch tài sản của người đã mất cho người còn sống, tài sản để lại được gọi là di sản. Thừa kế được chia thành thừa kế theo pháp luật và thừa kế theo di chúc.
Đồng thời theo quy định tại Điều 609 Bộ luật Dân sự 2015 về quyền thừa kế; cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.
Thừa kế được chia thành thừa kế theo pháp luật và thừa kế theo di chúc
Con dâu có thuộc hàng thừa kế của bố mẹ chồng không?
Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, hàng thừa kế của bố mẹ chồng gồm ba hàng thừa kế như sau:
- Hàng thừa kế thứ nhất: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba: cụ nội, cụ ngoại; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Như vậy, căn cứ vào quy định trên, con dâu không thuộc hàng thứ kế nào của bố mẹ chồng.
Trường hợp con dâu được hưởng di sản thừa kế từ bố mẹ chồng
Thừa kế theo Bộ luật Dân sự sẽ được chia theo hai cách: Theo di chúc và theo pháp luật.
Theo quy định, con dâu không thuộc hàng thừa kế của bố mẹ chồng. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp ngoại lệ, con dâu được hưởng thừa kế của cha mẹ chồng nhằm giải đáp câu hỏi con dâu có được hưởng thừa kế từ cha mẹ chồng không?
Cụ thể, người con dâu vẫn được hưởng di sản thừa kế trong 02 trường hợp sau đây:
Trường hợp 1: Bố mẹ chồng chết có để lại di chúc cho con dâu
Nhiều gia đình, người con dâu có khi lại là người gần gũi, chăm sóc cha mẹ chồng nhiều hơn con đẻ. Bởi thế, khi cha mẹ chồng chết đi thường để lại di chúc phân chia tài sản của mình cho con dâu.
Bởi Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015 bảo vệ quyền được chỉ định người thừa kế của người để lại di chúc. Do đó, người con dâu sẽ được hưởng phần di sản thừa kế từ cha mẹ chồng theo định đoạt trong di chúc.
Đồng nghĩa là, người con dâu được chỉ định là người được hưởng thừa kế trong di chúc hợp pháp của bố mẹ chồng mà không từ chối nhận di sản thì sẽ được hưởng di sản thừa kế.
Lưu ý: Nếu người con dâu từ chối nhận di sản thì người này sẽ không được hưởng di sản. Tuy nhiên, việc từ chối nhận di sản không được nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ của mình với người khác.
Trường hợp 2: Con dâu được hưởng thừa kế từ chồng
Ngoài trường hợp người con dâu được nhận di sản thừa kế từ di chúc của bố mẹ chồng thì còn có 01 trường hợp con dâu được nhận di sản thừa kế của cha mẹ chồng.
Đó là, người con dâu có thể được hưởng thừa kế từ cha mẹ chồng trong trường hợp con trai của người để lại di sản thừa kế chết sau khi cha mẹ chết.
Lúc này, sau khi cha mẹ chồng chết mà không để lại di chúc thì người con trai sẽ được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật.
Nếu sau đó người này cũng chết thì phần di sản thừa kế mà người này được hưởng từ cha mẹ sẽ chia đều cho hàng thừa kế thứ nhất của người này gồm: vợ, cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi, con đẻ.
Bởi vậy, khi người chồng chết sau khi bố mẹ chồng chết thì người con dâu có quyền được hưởng thừa kế từ cha mẹ chồng.
Di chúc có hiệu lực khi nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hiệu lực của di chúc như sau:
- Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế.
- Di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp sau đây:
+ Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
+ Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực.
- Di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.
- Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực.
- Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.
Hoàng Lê (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)