Dung Dung ở Trung Quốc là một đứa trẻ sống nội tâm, ít giao tiếp với người xung quanh. Đồng nghiệp của mẹ đã tặng cho bé một chú mèo nhỏ. Dung Dung rất vui, mỗi ngày sau khi đi học về, bé đều dành nhiều thời gian chơi với mèo con.
Mẹ Dung Dung cho rằng nếu cứ tiếp tục như vậy sẽ không tốt, nên đã âm thầm đuổi mèo đi trong lúc bé đi học. Khi trở về nhà, Dung Dung thấy mèo con đã đi mất và bé bật khóc rất lâu, thậm chí bỏ ăn uống. Mẹ bé không hiểu nổi: "Làm sao một con mèo con có thể khiến bé khóc như thế này? Chỉ cần mua một con mèo khác là có thể khiến bé vui hơn". Nhưng điều này không hiệu quả, Dung Dung chỉ muốn chú mèo đã gắn bó với mình trước đó.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington từng đã đưa việc chơi với thú cưng trong một liệu trình điều trị cho trẻ tự kỷ. Điều này giúp chúng sẵn sàng nói chuyện và giao tiếp với nhân viên y tế hơn. Ngoài ra, hai nghiên cứu ở Pháp và Mỹ khẳng định lợi ích của việc nuôi động vật đối với trẻ em, chúng có thể học cách nhận biết niềm vui, nỗi thất vọng và nỗi đau của những con vật nhỏ bằng xương bằng thịt. Từ đó, sẽ làm cho đứa trẻ trở thành một người giao tiếp tốt và sẽ có tác động tích cực đến giao tiếp của đứa trẻ với người khác.
Dung Dung khóc lóc thảm thiết trước sự ra đi của chú mèo con, điều đó thể hiện tình cảm sâu sắc của bé đối với nó. Có thể thấy rằng mèo con đã mang lại cho bé rất nhiều niềm vui và sự thoải mái. Các bác sĩ tâm lý cho rằng, mẹ Dung Dung không nên đuổi mèo đi mà nên giữ nó bên cạnh bé, để Dung Dung có thể chuyển từ học hòa nhập với động vật sang hòa đồng với mọi người.
Không dễ dàng để chăm sóc những con vật nhỏ, nhưng kết bạn với những con vật nhỏ có thể mang lại lợi ích cho trẻ theo nhiều cách khác nhau.
Cho phép trẻ em tham gia vào công việc chăm sóc động vật nhỏ
Trong quá trình chăm sóc những động vật nhỏ yếu thế hơn mình, đứa trẻ sẽ dần hiểu được cảm thông, yêu thương và có trách nhiệm là như thế nào.
Nếu lo lắng trẻ suốt ngày chỉ chơi với động vật nhỏ, bạn có thể cho trẻ dắt thú cưng nhỏ đi dạo ngoài trời. Trong môi trường như vậy trẻ sẽ không cảm thấy quá lo lắng khi tiếp xúc với mọi người.
An ủi con khi thú cưng của con bị mất
Trước tiên, cha mẹ phải an ủi và động viên trẻ khi thú cưng của chúng bị mất, bị chết. Trường hợp bị mất, bạn có thể nói với con: "Mèo cưng của con chạy ra ngoài, có lẽ nó sẽ gặp được gia đình tốt, sẽ có người tốt nhận nuôi nó.”
Nếu thú cưng của con chẳng may chết, cha mẹ phải dỗ dành trẻ ngay lập tức. Ngoài ra, có thể mua thú cưng khác thay thế. Bởi trong lòng trẻ, con vật nhỏ không phải là vật mà là bạn.
Mimi (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)