“Tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục, người dân được nhận tiền trợ cấp hàng tháng” là thông tin lừa đảo
Trong thời gian gần đây, ở nước ta diễn ra tình trạng lừa đảo qua số điện thoại, mạng xã hội vô cùng nhiều hình thức biến tướng ngày càng tinh vi khiến người dân nhẹ dạ cả tin dễ dàng bị mắc bẫy của bọn chúng. Trong đó, ở Đà Nẵng đã xảy ra vụ án lừa đảo BHYT, BHXH khiến cho người dân vô cùng hoang mang. Trong đó, người dân nhận được cuộc gọi mạo danh từ cơ quan BHXH về việc tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục sẽ được nhận tiền trợ cấp. Bên cạnh đó, để được hưởng người dân cần mang sổ BHXH và những giấy tờ liên quan giao cho chúng để chúng có thể rút tiền cho người dân. Bởi vì cả tin nhiều người đã đưa những thông tin cá nhân của mình cho chúng. Và những kẻ gian lợi dụng kẽ hở của BHXH rút tiền BHXH một lần trục lợi cho mình.
Chính vì vậy, cơ quan BHXH đề nghị người dân chỉ cung cấp thông tin cá nhân hoặc nghe tư vấn các thủ tục hành chính qua các kênh chính thức của cơ quan BHXH. Trường hợp nghi ngờ bị lừa đảo, người dân báo ngay cho cơ quan Công an hoặc cơ quan BHXH nơi gần nhất để xử lý.
Quyền lợi khi tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục
Căn cứ theo Điểm c, Khoản 1, Điều 22 Luật BHYT sửa đổi bổ sung 2014 thì người tham gia BHYT sẽ được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi đã đóng BHYT đủ 05 năm liên tục và có "Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm".
Để hiểu được "Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm" là gì? Người tham gia nên hiểu về nguyên tắc "cùng chi trả tiền khám chữa bệnh". Có nghĩa là BHXH sẽ tiến hành chi trả một phần và người khám chữa bệnh cũng sẽ phải chi trả một phần.
Như vậy, để được cấp "Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm" người khám chữa bệnh cần phải thỏa mãn 2 điều kiện:
- Đã tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên.
- Có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh đúng tuyến trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (mức lương cơ sở hiện tại là 1.800.000 đồng/tháng).
Lưu ý: khi đã được cấp "Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm" thì người tham gia BHYT sẽ không phải tiếp tục áp dụng cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh đến hết năm dương lịch.
Những chiêu thức lừa đảo qua mạng về BHXH, BHYT
1. Hỗ trợ cấp lại mật khẩu VssID
Lợi dụng lòng tin và nhu cầu của người lao động (NLĐ), một số đối tượng đã giả danh là người của cơ quan BHXH Việt Nam hỗ trợ, cấp lại mật khẩu ứng dụng VssID nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của NLĐ bằng việc yêu cầu chuyển khoản một khoản tiền để “cọc phí cấp lại mật khẩu” hoặc “hỗ trợ cấp nhanh mật khẩu”
Hiện nay, BHXH Việt Nam đang triển khai 03 cách thức cấp lại mật khẩu ứng dụng VssID
Cách 1: Tính năng quên mật khẩu trên ứng dụng VssID
Cách 2: tính năng “Quên mật khẩu” trên Cổng dịch vụ công Quốc gia (Cổng DVC BHXH Việt Nam): https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn /
Cách 3: Tổng đài 1900.90.68
2. Gộp, chốt sổ bảo hiểm xã hội.
Lợi dụng mong muốn gộp, chốt BHXH nhanh, không phải đến cơ quan BHXH. nhiều người bị lừa đảo chuyển tiền nhiều lần dù chỉ nhắn tin qua mạng xã hội.
Vừa qua, do cần gộp sổ BHXH một số người lao động đã vào trang Facebook có tên " Giải đáp thắc mắc BHXH " để hỏi và được người giả mạo nhân viên cơ quan BHXH tư vấn riêng qua tài khoản Zalo, Messenger … những đối tượng này nhận làm thủ tục gộp, chốt sổ BHXH nhanh, người lao động không cần đến cơ quan BHXH. Theo đó, những người này đã yêu cầu người lao động chuyển khoản một số tiền được gọi là: “ Phí nộp hồ sơ ”; “ phí hoàn tất quá trình gộp sổ ” hoặc “ phí cập nhật lại tờ rời và sổ BHXH ”…
Cảnh giác với các cuộc gọi lừa đảo.
3. Rút BHXH 1 lần nhanh.
Theo quy định Theo Khoản 1, Điều 1, Nghị quyết 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 quy định “ Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần ”. Tuy nhiên, một số đối tượng đã giả danh nhân viên cơ quan BHXH có thể thực hiện việc rút BHXH 1 lần ngay sau khi chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần đợi sau 1 năm, thậm chí không cần đến cơ quan BHXH. Theo đó, những người này đã yêu cầu người lao động chuyển khoản một số tiền được gọi là phí dịch vụ bằng 5% hoặc 10% trên tổng số tiền được nhận.
Liên quan đến chiêu lừa giả danh nhân viên BHXH để giải quyết chế độ BHXH. Hiện nay, cơ quan BHXH không triển khai bất kỳ hình thức giải quyết thanh toán chi trả các chế độ BHXH qua mạng xã hội.
Người dân cần nâng cao cảnh giác khi vào các trang mạng xã hội có tên cơ quan BHXH và cá nhân tự xưng là người của cơ quan BHXH. Người dân tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào của các đối tượng này, nhất là không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho họ qua điện thoại, Zalo, Viber hoặc Messenger.
Trong trường hợp nhận được các cuộc gọi, tin nhắn như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để xử lý hoặc thông báo trực tiếp đến cơ quan BHXH gần nhất trên địa bàn. Người dân cũng có thể gọi đến hotline của BHXH Việt Nam 1900.90.68 để được tư vấn, hỗ trợ và giải đáp kịp thời.
BHXH Việt Nam khuyến nghị: Người dân, người lao động cần nâng cao cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo nêu trên. Hiện nay BHXH Việt Nam chỉ cung cấp thông tin chính thức về chính sách BHXH, BHYT, BHTN và các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ người tham gia qua các kênh sau:
1- Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam: https://baohiemxahoi.gov.vn/
2 - Các trang mạng xã hội của BHXH Việt Nam:
- Fanpage Facebook tại địa chỉ: https://www.facebook.com/baohiemxahoi.gov.vn.
Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)