Khoản 4 Điều 16 Luật BHYT năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014 chỉ rõ, thẻ BHYT không có giá trị sử dụng và không thanh toán được trong 3 trường hợp gồm:
a) Thẻ đã hết thời hạn sử dụng;
b) Thẻ bị sửa chữa, tẩy xoá;
c) Người có tên trong thẻ không tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế.
Nếu người có thẻ BHYT sửa chữa, tẩy xóa thông tin trên thẻ hoặc không tiếp tục tham gia, không gia hạn thẻ BHYT thì thẻ này sẽ không có giá trị sử dụng.
Kéo theo đó, khi đi khám chữa bệnh, người bệnh sẽ không được Qũy BHYT hỗ trợ mà phải tự mình thanh toán toàn bộ chi phí.
Trước đây, hành vi tẩy xóa, sửa chữa thẻ BHYT có thể bị phạt tiền lên đến 02 triệu đồng theo khoản 1 Điều 65 Nghị định 176/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, hiện nay, theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/11/2020, hành vi này không còn bị xử phạt, nhưng người bệnh cũng sẽ không được hưởng các chế độ về BHYT.
Chính vì vậy, để được thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo mức hưởng, người dân phải tham gia BHYT, tiến hành gia hạn thẻ nếu thẻ hết hạn sử dụng. Trường hợp lỡ sửa chữa, tẩy xóa thông tin trên thẻ, phải thực hiện thủ tục đổi thẻ tại cơ quan Bảo hiểm xã hội.
Theo hướng dẫn tại Công văn 3340/BHXH-ST, từ ngày 01/8/2017 sẽ không ghi thời điểm hết hạn sử dụng trên thẻ BHYT nữa, thay vào đó chỉ ghi thời điểm thẻ BHYT bắt đầu có giá trị sử dụng.
Do đó, hiện nay, thông tin về hạn sử dụng đã không còn ghi trực tiếp trên thẻ BHYT. Căn cứ vào đối tượng tham gia BHYT mà thời hạn sử dụng của thẻ BHYT được xác định như sau:
- Nhóm đối tượng được miễn phí: Thẻ BHYT có giá trị sử dụng kể từ ngày cấp đến ngày không còn thuộc nhóm đối tượng này nữa.
Ví dụ: Trẻ em dưới 6 tuổi thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày trẻ đủ 72 tháng tuổi.
- Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng: Thẻ BHYT có giá trị sử dụng kể từ ngày cấp thẻ đến ngày dừng đóng BHYT.
Chú ý: Thực tế khi tra cứu giá trị sử dụng của thẻ BHYT của người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thì sẽ nhận được kết quả là có giá trị sử dụng đến hết năm đang tra cứu. Nhưng khi nghỉ việc, doanh nghiệp báo giảm lao động tham gia BHYT thì thẻ BHYT chỉ có giá trị sử dụng đến hết tháng đó.
- Nhóm đóng BHYT theo hộ gia đình: Thẻ BHYT có giá trị sử dụng kể từ ngày cấp thẻ đến ngày dừng tham gia BHYT.
- Nhóm được hỗ trợ đóng BHYT: Thẻ BHYT có giá trị sử dụng kể từ ngày được cấp thẻ đến ngày dừng tham gia BHYT.
Trường hợp thẻ BHYT có giá trị sử dụng nhưng không được thanh toán
Khoản 1 Điều 28 Luật BHYT 2008, sửa đổi bổ sung 2014 quy định, người tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh phải xuất trình thẻ BHYT có ảnh; nếu thẻ chưa có ảnh thì phải xuất trình thêm giấy tờ chứng minh về nhân thân; trẻ em dưới 6 tuổi chỉ phải xuất trình thẻ BHYT. Lưu ý, thẻ BHYT được xuất trình phải có giá trị sử dụng.
Tuy nhiên, trong 12 trường hợp khám chữa bệnh sau, dù xuất trình được thẻ BHYT có giá sử dụng, người bệnh cũng sẽ không được Qũy BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh:
- Các chi phí khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con, vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật đã được ngân sách Nhà nước chi trả;
- Điều dưỡng, an dưỡng tại cơ sở điều dưỡng, an dưỡng;
- Khám sức khỏe;
- Xét nghiệm, chẩn đoán thai không nhằm mục đích điều trị;
- Sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nạo hút thai, phá thai, trừ trường hợp phải đình chỉ thai nghén do nguyên nhân bệnh lý của thai nhi hay của sản phụ;
- Sử dụng dịch vụ thẩm mỹ;
- Điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt, trừ trường hợp trẻ em dưới 06 tuổi;
- Sử dụng chân tay giả, mắt giả, răng giả, kính mắt, máy trợ thính, phương tiện trợ giúp vận động trong khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng;
- Khám chữa bệnh, phục hồi chức năng trong trường hợp thảm họa;
- Khám chữa bệnh nghiện ma túy, nghiện rượu hoặc chất gây nghiện khác;
- Giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần;
- Tham gia thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu khoa học.
Căn cứ: Điều 23 Luật BHYT 2008, sửa đổi bổ sung 2014.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)