Cơ quan, tổ chức được thành lập cơ quan báo chí
Tại Điều 14 Luật Báo chí 2016 quy định như sau:
Điều 14. Đối tượng được thành lập cơ quan báo chí
1. Cơ quan của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo từ cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam được thành lập cơ quan báo chí.
2. Cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật giáo dục đại học; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật khoa học và công nghệ; bệnh viện cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên được thành lập tạp chí khoa học.
Ai là người đứng đầu cơ quan báo chí?
Theo quy định tại Điều 23 Luật Báo chí 2016 quy định như sau:
Điều 23. Người đứng đầu cơ quan báo chí
1. Người đứng đầu cơ quan báo chí là Tổng biên tập (đối với báo in, báo điện tử), là Tổng giám đốc hoặc giám đốc (đối với báo nói, báo hình).
2. Tiêu chuẩn bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí gồm:
a) Là công dân Việt Nam, có địa chỉ thường trú tại Việt Nam.
b) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên. Người đứng đầu cơ quan báo chí thuộc các tổ chức tôn giáo không áp dụng tiêu chuẩn này;
c) Có thẻ nhà báo còn hiệu lực. Người đứng đầu cơ quan báo chí thuộc các tổ chức tôn giáo, tạp chí khoa học không áp dụng tiêu chuẩn này;
d) Có phẩm chất đạo đức tốt; không trong thời gian thi hành hình thức kỷ luật từ khiển trách trở lên theo quy định của pháp luật về công chức, viên chức và pháp luật về lao động.
Như vậy, người đứng đầu cơ quan báo chí là:
- Tổng biên tập đối với báo in, báo điện tử;
- Tổng giám đốc hoặc giám đốc đối với báo nói, báo hình.
(Ảnh minh họa)
Người đứng đầu cơ quan báo chí có nhiệm vụ và quyền hạn gì?
Theo quy định tại Điều 24 Luật Báo chí 2016 thì người đứng đầu cơ quan báo chí có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:
- Chịu trách nhiệm trước cơ quan chủ quản báo chí và trước pháp luật về mọi hoạt động của cơ quan báo chí trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động của cơ quan báo chí.
- Phê duyệt kết cấu nội dung ấn phẩm; kênh, chương trình phát thanh, truyền hình; báo, chuyên trang của báo điện tử.
- Chỉ đạo thực hiện đúng tôn chỉ, Mục đích và các quy định ghi trong giấy phép.
- Quản lý nhân sự, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhà báo, phóng viên, nhân viên; quản lý tài sản, cơ sở vật chất của cơ quan báo chí.
- Không được đảm nhiệm chức danh người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí khác.
(Ảnh minh họa)
Báo chí được hoạt động dưới loại hình nào?
Theo quy định tại Điều 21 Luật Báo chí 2016 thì loại hình hoạt động của cơ quan báo chí như sau:
Điều 21. Loại hình hoạt động và nguồn thu của cơ quan báo chí
1. Cơ quan báo chí hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu.
Tạp chí khoa học hoạt động phù hợp với loại hình của cơ quan chủ quản.
2. Nguồn thu của cơ quan báo chí gồm:
a) Nguồn thu do cơ quan chủ quản báo chí cấp;
b) Thu từ bán báo, bán quyền xem các sản phẩm báo chí, quảng cáo, trao đổi, mua bán bản quyền nội dung;
c) Thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ của cơ quan báo chí, các đơn vị trực thuộc cơ quan báo chí;
d) Nguồn thu từ tài trợ hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)