Hiện tại, theo quy định, các cá nhân gửi tiền tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được miễn thuế thu nhập cá nhân đối với khoản lãi phát sinh. Điều này áp dụng cho các hình thức gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn, gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, miễn là gốc và lãi được hoàn trả đầy đủ. Chỉ có thu nhập từ lãi tiền gửi của các công ty, doanh nghiệp mới phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Bộ Tài chính không ủng hộ việc tiền gửi tiết kiệm bị đánh thuế trên phần lãi tiết kiệm (Ảnh minh hoạ)
Trước đề xuất đánh thuế lãi tiết kiệm cá nhân, Bộ Tài chính đã khẳng định quan điểm không ủng hộ. Trong bản cập nhật hồ sơ xây dựng dự án Luật Thuế Thu nhập Cá nhân (thay thế), cơ quan soạn thảo đề nghị giữ nguyên chính sách miễn thuế đối với lãi tiền gửi tiết kiệm như hiện hành.
Lý giải cho quan điểm này, Bộ Tài chính cho rằng việc không đánh thuế lãi tiết kiệm cá nhân sẽ khuyến khích người dân không có nhu cầu đầu tư vào sản xuất kinh doanh gửi tiền vào ngân hàng, tạo kênh huy động vốn cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, đây cũng là chính sách phúc lợi xã hội, hỗ trợ những đối tượng không có khả năng lao động như người về hưu, người tàn tật có nguồn thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm.
(Ảnh minh hoạ)
Trên thế giới, một số quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc đã áp dụng thuế đối với lãi tiền gửi. Tại Việt Nam, đề xuất tương tự từng được đưa ra nhiều lần nhưng đều gặp phải những ý kiến trái chiều. Một số chuyên gia cho rằng việc đánh thuế đối với những khoản lãi tiết kiệm lớn là hợp lý và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo ngân hàng lo ngại rằng biện pháp này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.
Việc sửa đổi Luật Thuế Thu nhập Cá nhân vẫn đang trong quá trình thảo luận và lấy ý kiến, và vấn đề đánh thuế lãi tiết kiệm hứa hẹn sẽ tiếp tục là một chủ đề gây tranh luận sôi nổi.
Thu Hà (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)