Trong gia đình, với người làm con, làm được 5 việc và với người làm cha mẹ, làm được 7 việc dưới đây, gia đình sẽ luôn tràn ngập niềm vui, hạnh phúc và tiếng cười.
5 điều người làm con không được làm với cha mẹ
01. Không phàn nàn về sự kém cỏi của cha mẹ
Đừng oán trách, phàn nàn rằng: “Cha mẹ phải như thế này hay cha mẹ phải như thế kia” mà hãy chân thành nói: “Dù cha mẹ có như thế nào, con cũng sẵn lòng chấp nhận! Cảm ơn về hết thảy những gì cha mẹ đã ban cho con!''.
Cha mẹ cho ta sinh mạng, lại vất vả bao năm để nuôi dưỡng chúng ta nên người, bởi vậy xin đừng bao giờ oán trách cha mẹ không có năng lực, tài cán, không thể cho con cuộc sống tốt hơn. Hãy trân trọng và yêu thương cha mẹ bằng tất cả tấm lòng.
02. Đừng phàn nàn về sự “cằn nhằn” của cha mẹ bạn
Có một sự thật chúng ta cần hiểu rằng, ngoài cha mẹ ra, những người xung quanh sẽ không bao giờ “cằn nhằn” chúng ta, họ sẽ không hề quan tâm xem bạn sống như thế nào, sinh hoạt hằng ngày ra sao. Những câu nói “cằn nhằn” đó, kì thực là xuất phát từ tình yêu thương vô bờ bến mà cha mẹ dành cho con cái. Bạn thử nghĩ lại xem, hẳn là cha mẹ sẽ không bao giờ đi “cằn nhằn” với một người không có quan hệ gì với họ phải không?
03. Không phàn nàn về việc cha mẹ mắng mình
Cha mẹ thường trách mắng vì không bằng lòng với tình trạng hiện tại của con cái. Bất cứ người làm cha, làm mẹ nào cũng mong con mình ngày một tiến bộ, giỏi giang để sau này có thể sống no đủ, thoải mái. Cha mẹ có trách mắng cũng vì không muốn ta mắc phải sai lầm họ từng mắc, lãng phí tuổi trẻ vào những thú vui vô bổ sẽ làm ta hối hận sau này.
04. Đừng phàn nàn về sự chậm chạp của cha mẹ
Người lớn tuổi, hành động lẽ tự nhiên sẽ trở nên chậm chạp. Vì thế, tuyệt đối không được chê bố mẹ chậm, bởi chúng ta mãi mãi chẳng thể tưởng tượng ra được khi chúng ta còn nhỏ, họ đã phải nhẫn nại đến mức nào để dạy chúng ta chập chững từng bước chân đầu tiên trong đời.
05. Đừng phàn nàn về việc bố mẹ bệnh tật
Khi bố mẹ mắc bệnh, chúng ta có thể làm được những gì? Chúng ta có thể tận tâm tận lực chăm sóc bố mẹ hay không?
Cuộc đời, sinh mệnh không phải dùng để oán trách. Chúng ta dần trưởng thành cũng là lúc bố mẹ dần già đi, cho đến khi rời xa chúng ta…
Không có bố mẹ, sẽ không có chúng ta. Oán trách, không hiểu cho bố mẹ là bất hiếu. Nếu đến bố mẹ mà chúng ta còn không bao dung, thử hỏi chúng ta có thể yêu thương, đón nhận được ai?
7 điều cha mẹ không nên làm với con cái
01. Không trách con cái trước mặt đám đông
Trước mặt đám đông, không nên trách mắng con cái, như thế bố mẹ sẽ làm tổn thương lòng tự trọng của con, thậm chí khiến con mất tự tin.
02. Không trách mắng khi con đã hối hận
Nếu thấy con cái đã nhận ra sai lầm và hối hận trước những việc chúng làm, bố mẹ hãy ngừng việc trách mắng, hãy thông cảm và hiểu cho con cái.
03. Không trách mắng con trước giờ đi ngủ
Trước giờ đi ngủ vào buổi tối, bố mẹ tuyệt đối không nên trách mắng con. Nếu làm như vậy, con sẽ mang một tâm trạng nặng nề, ủ dột vào giấc ngủ và như thế, giấc ngủ đó sẽ khó trọn vẹn, thậm chí khiến con gặp ác mộng.
04. Không trách mắng con trong giờ ăn cơm
Giờ ăn cơm mà lôi chuyện không hay của con ra chỉ trích, nói nặng lời sẽ khiến trẻ khó có thể nuốt trôi cơm. Có ăn được đi nữa trẻ cũng sẽ uất nghẹn, khó tiêu hóa.
05. Không trách con trong lúc con đang hào hứng
Khi trẻ đang hân hoan vui vẻ, ở trong trạng thái hưng phấn, nếu bị lôi ra trách mắng sẽ khiến tinh thần con xuống dốc, thậm chí tổn thương.
6. Không trách mắng khi con đang buồn chán
Khi con bạn đang khóc, tốt nhất bạn không nên trách con. Việc khóc bản thân nó đã là một sự giải tỏa cảm xúc, giúp con đỡ nặng nề hơn. Nếu mắng con vào thời điểm đó, bố mẹ đã vô tình bồi thêm áp lực lên cảm xúc của con.
07. Không trách mắng khi con đang ốm
Khi con đang ốm, tuyệt đối đừng trách mắng chúng. Lúc ốm đau là khi cơ thể con người ta yếu đuối nhất, tinh thần cũng mềm yếu, dễ tủi thân nhất. Thay vì trách mắng, điều cha mẹ cần làm là quan tâm và chăm sóc nhiều hơn đến con cái mình. Đối với bất cứ ai, cảm giác ấm áp, được yêu thương sẽ có tác dụng hơn bất cứ phương thuốc nào trên đời.
Dương Huyền (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)