Lập trình viên là những người tạo ra chương trình, viết mã và phát triển chương trình. Nhiệm vụ của họ là xây dựng các đoạn mã và phát triển chúng trên một chương trình phần mềm dành cho máy tính hoặc ứng dụng trên điện thoại thông minh.
Mức lương của lập trình viên tại Việt Nam
Nhân viên ngành IT được chia làm các mức Intern (thực tập), Fresher (sinh viên mới ra trường), Junior (làm việc dưới 2 năm), Middle - Senior (2-4 năm). Cao hơn Senior có thể theo hướng Manager (quản lý) hoặc hướng chuyên sâu về công nghệ, kiến trúc,… Tuỳ thuộc vào từng vị trí mà mỗi người sẽ có mức lương khác nhau.
Người chưa có kinh nghiệm thường nhận mức lương trung bình 5-10 triệu đồng/tháng. Nhưng nếu đã thực tập từ khi còn đi học thì ra trường có thể nhận mức lương lên tới 20 triệu đồng/tháng, thậm chí cao hơn.
Người có trên 5 năm kinh nghiệm thì mức lương có thể lên đến 50 triệu/tháng. Nhưng khi đạt đến con số này, lập trình viên sẽ phải chịu được áp lực công việc cao và thường xuyên phải tăng ca.
Ngoài lương cơ bản thì các lập trình viên còn có thêm nhiều khoản thu nhập khác như lương ngoài giờ, tăng ca, hưởng các phúc lợi bảo hiểm, khám sức khoẻ, nghỉ phép.
Bên cạnh đó, khi so với những ngành nghề khác, lập trình viên nhận được khá nhiều mức lương bao gồm: thưởng ngày nghỉ lễ, thưởng Tết, thưởng tháng lương 13, thưởng theo dự án,…
Khoảng 30% nhân sự đáp ứng được kỹ năng, yêu cầu
Dù có mức lương hấp dẫn nhưng thị trường công nghệ thông tin vẫn thiếu hụt nhân sự. Hiện tại, số lượng lập trình viên ở Việt Nam mới đạt khoảng 530.000 người.
Tuy mức lương và tiền thưởng của ngành này thuộc top cao nhưng dự đoán từ năm 2023-2025, Việt Nam vẫn sẽ thiếu hụt từ 150.000-200.000 lập trình viên, kỹ sư hàng năm.
Bên cạnh đó, trong số hơn 57.000 kỹ sư công nghệ bước vào thị trường lao động mỗi năm, chỉ khoảng 30% nhân sự đáp ứng được những kỹ năng và chuyên môn, yêu cầu thực tế mà doanh nghiệp đặt ra. 70% còn lại cần được bố trí đào tạo thêm tại doanh nghiệp trong 3-6 tháng để làm quen với công việc và môi trường làm việc.
Ngoài chuyên môn, nghề lập trình viên càng nên thành thạo ngoại ngữ như tiếng Anh, Nhật, Hàn.
Đáng chú ý, lập trình viên không chỉ có trình độ chuyên môn mà phải thành thạo ngoại ngữ ở mức cơ bản. Bên cạnh tiếng Anh thì tiếng Hàn và tiếng Nhật cũng là ngoại ngữ phổ biến trong các bản mô tả công việc gần đây. Các nhà tuyển dụng từ Nhật Bản và Hàn Quốc, những người tìm kiếm các lập trình viên có kỹ năng ngoại ngữ thường yêu cầu trình độ làm việc chuyên nghiệp.
Học lập trình ở đâu?
Các bạn trẻ có đam mê với lĩnh vực lập trình có thể tìm hiểu thông tin tuyển sinh ngành Công nghệ thông tin của một số trường đại học như Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.
Thùy Dương (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)