Đó chính là cây rau má - thường mọc bò có thân nhẵn, dạng dây leo, có rễ ở các mấu cuống lá. Lá có cuống dài mọc ra từ gốc hoặc từ các mấu. Lá hơi tròn, màu xanh lục, có mép khía hình lượn như vành mũ tai bèo.
Nhận thấy tiềm năng lớn từ cây rau má đem lại, người dân xã Yên Thắng (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) đã không ngừng học hỏi, tìm tòi những phương pháp canh tác mới. Đặc biết, tích cực tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân tổ chức về hướng dẫn quy trình sản xuất rau an toàn.
Quy trình trồng, chăm sóc cây rau má ở Yên Thắng không quá phức tạp, thời gian thu hoạch nhanh. Cụ thể, từ khi trồng đến thu hoạch khoảng 45 ngày, bình quân diện tích 1ha cắt được 10 tấn rau má, giá bán 12.000 đồng/kg.
Ông Đinh Xuân Nam chia sẻ: "Cây rau má thích hợp trên thửa đất xã Yên Thắng, 1 năm người dân có thể cắt bán 7 lần, nếu trừ các chi phí thì ước thu lời từ 350-400 triệu đồng/ha/năm".
Người dân hốt bạc khi trồng rau má (Ảnh minh họa).
Nhờ áp dụng công nghệ mới, sản phẩm rau má của của các hộ dân ở Yên Thắng có chất lượng vượt trội, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Từ chỗ chỉ bán rau má tươi, người dân nơi đây đã có thể chế biến ra nhiều sản phẩm khác như: Bột rau má, trà rau má,…nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.
Ông Đinh Xuân Nam-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Trà cho biết: "Năm 2021, rau má Yên Thắng được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Bình chứng nhận rau an toàn.
Năm 2023, sản phẩm bột rau má Vân Trà được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Nhờ đó, thương hiệu sản phẩm rau má ở Yên Thắng được nhiều người trong và ngoài tỉnh quan tâm, biết đến".
Ông Nam bộc bạch so với bán rau má tươi, thì qua khâu chế biến thành tinh bột giá trị cây rau má nâng lên gấp nhiều lần. Bình quân 20kg rau má tươi thì chế biến được 1kg bột rau má, giá bán khoảng 1.500.000 đồng/kg.
(Ảnh minh họa)
Được biết, để tạo nên sản phẩm bột rau má Vân Trà, rau má tươi sau khi thu hoạch trên cánh đồng đưa về rửa sạch, tiến đến phân loại kỹ càng, rồi đưa vào sấy lạnh trong 25 giờ để loại bỏ hơi ẩm mà vẫn giữ được các chất dinh dưỡng.
Tiếp theo, rau má khô được nghiền bằng cối đá granite trong 12 giờ. Phương pháp nghiền này giúp giữ nguyên hương vị và màu sắc tự nhiên của rau má, đồng thời tạo ra sản phẩm bột rau má có độ mịn và chất lượng cao.
(Ảnh minh họa)
Cây rau má thường được chế biến trong các món ăn như: Nấu canh, làm gỏi, hoặc ép lấy nước uống. Trong y học cổ truyền, cây rau má có tính mát, giúp thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, mát gan, và được dùng để chữa các bệnh về rôm sảy, mụn nhọt, viêm họng… Ngoài ra, rau má còn được sử dụng để làm mặt nạ, kem dưỡng da, giúp làm dịu da, giảm viêm.
A.Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)