49 chưa qua 53 đã tới là gì?
49 chưa qua 53 đã tới là câu nói ám chỉ tuổi hạn của mỗi người. Tức là vào một năm nhất định nào đó (khi bạn sang tuổi 49 và 53) thì sẽ gặp phải không ít điều xui xẻo, vận xấu, thậm chí nguy hiểm tới cả tính mạng. Vì sao lại có quan niệm về tuổi hạn?
Từ xưa tới nay hễ nghe đến tuổi hạn là nhiều người nghĩ tới những điều xấu, không may đến với mình. Thực tế theo từ điển Hán Việt thì "hạn" là vùng đất nguy hiểm, ranh giới, phạm vi quy định, kỳ hạn quy định, ngưỡng cửa...
Tuổi hạn cũng chỉ là để đánh dấu sự kết thúc của một quá trình này nhưng có thể lại là mở đầu của một quá trình khác. Nó không có toàn tốt hoặc toàn xấu mà thường xen kẽ theo kiểu trong rủi có may.
Trên thực tế, do thiếu hiểu biết nên nhiều người vẫn quy kết "hạn" là xấu. Thậm chí Hạn sao Mộc đức, Thái dương... lại rất tốt nhưng mọi người vẫn gọi là Hạn. Sao xấu (hung tinh, ác tinh..) thì mới nên cắt giải, nhương tinh (nhượng) chuyển đổi đi. Còn Cát tinh, sao tốt thì phải Nghênh tinh (đón rước về).
Tại sao có hạn 49 chưa qua 53 đã tới?
Trong dân gian có nhiều cách giải thích vì sao tuổi 49, 53 chúng ta gặp rủi ro nhiều hơn.
Dưới đây là một số lý giải thường gặp nhất về 2 tuổi hạn này.
- Cách lý giải thứ nhất: Khi cộng dồn số 49 ta thấy: 4 + 9 = 13 và 1 + 3 = 4, tương ứng với nam gặp sao Thái Bạch, nữ gặp sao Thái Âm; Khi cộng dồn số 53 ta thấy: 5 + 3 = 8, tương ứng nữ gặp sao Thái Bạch, nam gặp sao Thái Âm. Trong đó, "Thái" được hiểu là quá, "Bạch" là trắng; chủ về tang chế, tai nạn, xương cốt. "Âm" là đen, tối, nước, hiểm trở; chủ về ốm đau, dao kéo, xe cộ, sông nước.
- Cách lý giải thứ hai: Chòm sao Thái Tuế quản 12 năm hàng Chi. Khởi điểm là 1 tuổi mang sao Thái Tuế. Cứ 12 năm lại lặp lại một lần.
Vào những năm có số tuổi chia cho 12 dư 1 (13, 25, 37, 49, 61, 73, 85...) sẽ mang sao Thái Thuế. Theo quan niệm phong thủy, Thái Tuế chủ về quan sự, khẩu khiệt, hao tốn, ốm đau, tang chế.
Trước Thái Tuế có Thiên Không, sau Thái Tuế có Quan Sách. Hai sao này thuộc Hỏa và cũng được xem là những sao không có lợi.
- Cách lý giải thứ ba: Theo quy luật của tạo hóa thì từ khi thai nghén, con người đã theo chu kỳ 7 x 7. Theo đó, các mốc có số 7 như 7 giờ, 7 ngày, 7 tuần, 7 tháng, 7 năm đều đánh dấu sự thay đổi quan trọng.
Cụ thể, 7 năm thứ nhất phát triển chiều ngang, 7 năm thứ hai phát triển chiều cao, 7 năm thứ ba phát dục, 7 năm thứ tư phát triển cơ bắp, 7 năm thứ năm phát triển trí tuệ, 7 năm thứ sáu phát triển toàn diện, 7 năm thứ bảy dừng lại, ổn định, dần suy giảm. Mà 7 x 7 = 49 sẽ hết một chu kỳ.
Hết chu kì này sẽ là 49, 53, có thể sẽ bị diệt vong, cũng có thể sẽ phát triển chu kỳ tiếp theo.
Đó là sự sinh, còn xét ở sự tử thì khi con người mất đi cũng theo luật tạo hóa, cái gì sinh trước sẽ mất trước, sinh sau mất sau. Do đó, người ta mới có lễ Tứ Cửu (49 ngày). Cũng theo quy luật đó thì hết vòng 49, 53 thì mọi sự lại tốt đẹp, hồi xuân.
Giải thích "49 chưa qua, 45 đã" tới theo góc nhìn khoa học và Phật pháp Quan niệm "tuổi hạn" thực tế là không có cơ sở khoa học, tuy nhiên, ngay trong Vật lí học và Triết học hiện đại cũng thừa nhận có một loại "vật chất" gọi là "vật chất tối" (Dark matter) bên cạnh vật chất thông thường.
Trên thực tế, từ tuổi 49-53 trở đi, con người có sự lão hóa rõ rệt. Khả năng ăn uống kém dần, lượng dinh dưỡng vi chất ngày càng giảm.
Đa số phụ nữ đều mắc các bệnh liên quan đến thiếu canxi, thoái hóa xương khớp, loãng xương... rồi ảnh hưởng tới các cơ quan khác như tim mạch.
Nam giới cũng thường gặp các bệnh về chuyển hóa vì cơ thể cũng giống như một cỗ máy, đã vận hành quá nửa đời người, các mạch máu cũng không còn là dòng nước thông suốt mà có thể bị tắc nghẽn do mỡ...
Đặc biệt, phụ nữ ở giai đoạn này phải đối mặt với tiền mãn kinh, mãn kinh. Khi đó, họ dễ mắc các bệnh thông thường như cảm cúm, viêm họng, viêm phế quản hoặc bộc lộ nhiều bệnh tật như tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, thoái hóa khớp...
Hầu như phụ nữ nào cũng phải đối mặt với tình trạng thay đổi tính tình, hay cáu gắt, hoa mắt chóng mặt, rong kinh, kinh lúc có lúc không, đổ nhiều mồ hôi đặc biệt là vào ban đêm. Một số phụ nữ còn gặp tình trạng nóng trong người, thỉnh thoảng có cơn bốc hỏa và cảm giác lạnh trong người xen kẽ.
Do vậy, chúng ta cần chú ý tốt hơn về sức khỏe cũng như chú ý làm việc, nghỉ ngơi điều độ, ăn uống đủ dinh dưỡng, thường xuyên tập thể dục thể thao thay vì lo lắng, bận tâm mãi về tuổi hạn.
Về mặt tâm linh, từ tuổi 49 - 53 ứng vào con số 5 (là số ngũ hành, gồm sinh - lão - bệnh - tử - sinh). Nếu ai đó vượt qua được nghĩa là họ đã thay đổi nhịp sinh học để bước vào một chu kỳ phát triển mới trong đời.
Trong Kinh điển Phật giáo không bàn đến và cũng không trực tiếp phủ định vấn đề phong thủy số mệnh như "tuổi hạn". Mọi biểu hiện giàu - nghèo, thọ - yểu, rủi - may... ở đời này đều bị chi phối bởi 2 loại nghiệp lực do chính con người tạo ra.
Nghiệp bản hữu: Là nghiệp do kiếp trước mình tạo ra những điều mình nhận ở đời này. Ví dụ như ta sinh ra trong nhà ai, làm anh em với ai,... cũng là nhờ nghiệp này.
Nghiệp tân huân: Là nghiệp do chính mình tạo ra trong cuộc sống hiện tại thông qua việc làm (thân), lời nói (khẩu), suy nghĩ (ý). Xấu tốt đều do chính mình tạo ra và chịu trách nhiệm chứ không hoàn toàn do "tuổi hạn" quyết định".
"49 chưa qua, 53 đã tới" là câu nói của người xưa, ám chỉ hai độ tuổi quan trọng trong cuộc đời mỗi người.
Có thể nói, tuổi hạn cũng như 49 chưa qua 53 đã tới chỉ là quan niệm dân gian, bằng kinh nghiệm cuộc sống mà người ta đúc kết nên. Có thể đúng với đại đa số người này nhưng không đúng với một bộ phận người khác. Không nhất thiết vào "năm hạn" thì người ta không được làm việc lớn.
Quan niệm về "tuổi hạn" và những tốt - xấu đi kèm thuộc về đức tin của mỗi người. Do đó, không thể ngăn cấm, xóa bỏ nó. Cái quan trọng là mỗi người cần nhận thức đầy đủ, tỉnh táo để không bị lừa gạt bởi những trò mê tín dị đoan. Khi cơ hội đến mà không nắm lấy rồi đổ cho "tuổi hạn" thì hoàn toàn sai lầm.
Để có thể thoải mái về tâm lý hầu như mọi người thường làm lễ dâng sao giải hạn theo từng năm và điều này cũng giúp tâm lý được thoải mái và không còn lo lắng đến bệnh tật thì cơ thể sẽ khỏe mạnh hơn.
Bản thân mỗi người chỉ cần chú ý tốt hơn về sức khoẻ cũng như lao động thay vì việc cầu khấn nghĩ ngợi. Dâng sao giải hạn cũng là hình thức giúp chúng ta ổn định và thoải mái hơn về tinh thần, tuy nhiên không được mê tín.
*Thông tin mang tính tham khảo, chiêm nghiệm
BL (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)