Ngoài hình thức xử phạt trực tiếp, hành vi vi phạm giao thông thì người điều khiển phương tiện có thể bị phạt nguội.
Phạt nguội được hiểu là hình thức xử phạt giao thông thông qua hệ thống camera giám sát, hình ảnh của vụ vi phạm sẽ được ghi lại bằng hệ thống camera lắp đặt trên đường phố và gửi về cho trung tâm xử lý. Điều này giúp nâng cao hiệu quả quản lý giao thông và giảm thiểu các hành vi vi phạm.
Camera lắp đặt trên đường phố sẽ ghi lại lỗi của các phương tiện. (Ảnh minh họa)
Theo khoản 1 Điều 21 Luật xử phạt vi phạm hành chính năm 2012 thì tước quyền sử dụng dụng GPLX là một trong các hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông (ngoài ra tước GPLX còn là hình thức xử phạt bổ sung).
Việc áp dụng hình thức tước quyền sử dụng GPLX trong mỗi trường hợp cần tuân thủ quy định pháp luật.
Có bị cộng dồn thời gian tước GPLX khi bị dính phạt nguội nhiều lỗi cùng một lúc?
Khi người điều khiển xe tham gia giao thông chủ động tra cứu phạt nguội trên các nền tảng website thì phát hiện bản thân dính nhiều lỗi phạt nguội với hình phạt bổ sung là tước GPLX.
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 118/2021/NĐ-CP về việc áp dụng hình thức phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn; đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
(Ảnh minh họa)
Hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn được áp dụng như sau:
- Cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính mà bị xử phạt trong cùng một lần, trong đó có từ hai hành vi vi phạm trở lên bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng có thời hạn đối với nhiều loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề khác nhau, thì áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng có thời hạn riêng biệt đối với từng hành vi vi phạm.
Trường hợp có từ hai hành vi vi phạm trở lên bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng có thời hạn đối với cùng một loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề, thì áp dụng mức tối đa của khung thời hạn tước quyền sử dụng của hành vi có quy định thời hạn tước dài nhất;
- Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nhiều lần mà bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trong đó có từ hai hành vi vi phạm trở lên bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng có thời hạn cùng một loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề, thì áp dụng mức tối đa của khung thời hạn tước quyền sử dụng đối với hành vi có thời hạn tước dài nhất;
Như vậy, khi bị dính phạt nguội nhiều lỗi cùng một lúc thì không bị cộng dồn thời gian tước GPLX mà chỉ áp dụng mức tối đa của khung thời hạn tước quyền sử dụng của hành vi có quy định thời hạn tước dài nhất.
Ví dụ: Tài xế bị phạt vì vượt đèn đỏ (bị tước GPLX 1 tháng) và chạy quá tốc độ (bị tước GPLX 2 tháng), thì sẽ chỉ bị tước GPLX trong thời gian của hành vi có mức xử phạt cao hơn, tức là 2 tháng.
Hướng dẫn cách tra cứu phạt nguội trên website Cục Cảnh sát giao thông
Để tiến hành tra cứu phạt nguội trên website của Cục Cảnh sát giao thông, người điều khiển phương tiện giao thông có thể tiến hành theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập website của Cục Cảnh sát giao thông: http://www.csgt.vn/.
Bước 2: Tại Mục Tra cứu phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh nằm phía bên phải màn hình. Nhập đầy đủ biển số xe cần kiểm tra và chọn loại phương tiện (Ô tô, xe máy hoặc xe đạp điện)
Bước 3: Nhập mã bảo mật (Cụm ký tự chữ và số bên cạnh ô trống)
Đôi khi xảy ra tình trạng nhập mã bảo mật không được, bạn đọc vui lòng thực hiện nhiều lần, nhập chính xác cụm ký tự chữ và số.
Bước 4: Nhấn Tra cứu
Lúc này hệ thống sẽ trả về kết quả vi phạm giao thông của phương tiện qua camera. Nếu không tìm thấy kết quả nghĩa là xe không bị phạt nguội.
Tóm lại, người điều khiển phương tiện giao thông khi bị dính phạt nguội nhiều lỗi cùng một lúc thì cũng không bị cộng dồn thời gian tước GPLX mà chỉ áp dụng mức tối đa của khung thời hạn tước quyền sử dụng của hành vi có quy định thời hạn tước dài nhất.
Bên cạnh đó, các tài xế có thể tra cứu phạt nguội thông qua website Cục Cảnh sát giao thông.
Hoàng Anh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)