Cứ đến khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11 dân tình lùng mua củ niễng. Loại này còn có tên gọi là cây lúa miêu, giao cẩu, cao duẩn, giao bạch tử... thuộc họ lúa.
Cây trưởng thành cao khoảng 1-2m, rễ nhiều, thân rỗng có vách ngang, phần dưới thân phát triển rộng và xốp. Lá có hình mác, thuôn dài khoảng 30-100cm, chiều rộng lá khoảng 2-3cm, mặt lá thô ráp. Hoa mọc thành cụm theo hình chùy, hẹp, dài khoảng 30-50cm, hoa cái mặt ở phía trên, hoa đực ở phía dưới.
Trên thân cây có một loại nấm ký sinh là Ustilago esculentum Hennings, ăn được. Loại nấm này khiến thân cây phồng lên và có nhiều đốm đen (bào tử nấm), làm cho các món ăn từ củ niễng trở nên bùi và béo.
Theo y học hiện đại củ niễng giúp hỗ trợ điều trị các triệu chứng và bệnh lý như xơ vữa động mạch, hỗ trợ điều trị viêm ruột, đau dạ dày, tăng tiết sữa, thông sữa ở phụ nữ sau sinh, dưỡng da, cấp ẩm và làm trắng da....
Nhìn bên ngoài củ niễng khá giống củ sả. Sau khi bóc từng lớp vỏ xốp, "thành phẩm" chính là phần ruột trắng mươn mướt bên trong. Và đó cũng chính là nguyên liệu để tạo nên nhiều món ăn thơm ngon, lạ miệng.
Cách làm củ niễng xào thịt bò: Phi thơm tỏi, trút bò đã ướp 1 chút gia vị và dầu ăn vào xào to lửa, bò chín tới trút ra đĩa. Cho củ niễng vào xào nhanh tay, cho thêm 1 chút nước. Củ niễng chín em nêm gia vị và cho bò vào đảo lại. Cuối cùng thêm rau mùi ta thái nhỏ.
Vừa cho vào miệng, cái giòn giòn, ngọt ngọt đặc trưng lan tỏa làm người ta thích thú. Càng nhai bạn sẽ cảm nhận được cái bùi bùi đọng lại nơi đầu lưỡi. Để rồi kết hợp thêm miếng thịt bò mềm dai hay trứng béo béo nữa thì thật chẳng còn gì bằng.
Củ niễng hiện được bán theo bó với giá tầm 30 nghìn đồng - 50 nghìn đồng được khoảng 10 củ. Một mẹo được hội chị em truyền tai nhau là phải lựa những củ mập và bên trong có ít chấm đen thì mới cho được vị ngọt và giòn.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)