Theo Nghị quyết số 60 ngày 12/4, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất chủ trương tổ chức chính quyền địa phương theo hai cấp, gồm cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố).
Theo lộ trình, các đơn vị hành chính cấp huyện sẽ chấm dứt hoạt động kể từ ngày 1/7/2025 sau khi nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực.
Thành phố Thanh Hóa. Ảnh minh họa
Là một trong những địa phương có quy mô lớn, từ ngày 1/1/2025, TP. Thanh Hóa – tỉnh lỵ của tỉnh Thanh Hóa đã chính thức sáp nhập với huyện Đông Sơn, nâng tổng diện tích tự nhiên lên hơn 228km2, quy mô dân số đạt 593.715 người, với 48 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 37 phường và 11 xã. Tuy nhiên, theo quy định mới, kể từ ngày 1/7/2025, TP. Thanh Hóa sẽ chấm dứt hoạt động với tư cách là đơn vị hành chính cấp huyện, khép lại hành trình lịch sử với vai trò là trung tâm hành chính – chính trị của tỉnh Thanh Hóa.
Trên nền tảng vùng đất văn hiến với tên gọi đã có từ 1.000 năm trước, TP. Thanh Hóa đã không ngừng bứt phá, đóng vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh.
Năm 2024, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn thành phố Thanh Hóa đạt hơn 81.000 tỷ đồng, tăng 10,25% so với cùng kỳ, xếp thứ hai toàn tỉnh sau thị xã Nghi Sơn. Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 4.158 tỷ đồng, vượt 41% dự toán tỉnh giao, tiếp tục khẳng định vị trí trọng yếu trong cơ cấu tài chính của địa phương.
Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghiệp – xây dựng tiếp tục ghi nhận những bước tiến mạnh mẽ, với giá trị sản xuất đạt hơn 53.000 tỷ đồng. Hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm được khởi công như cụm công nghiệp phía Đông Bắc, cầu vượt đường sắt Bắc – Nam, mở rộng Đại lộ Lê Lợi hay nâng cấp công viên Hội An, tạo nền tảng vững chắc cho quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế dài hạn.
Không chỉ nổi bật về thành tựu kinh tế, TP. Thanh Hóa còn sở hữu vị trí chiến lược trên trục phát triển Bắc – Nam, kết nối thuận lợi qua hệ thống giao thông đa dạng: đường sắt, quốc lộ, đường thủy nội địa và gần sân bay Thọ Xuân. Nhờ hạ tầng đồng bộ và môi trường đầu tư cải thiện rõ rệt, thành phố ngày càng thu hút dòng vốn lớn. Trong 9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Thanh Hóa thu hút gần 100 dự án FDI và DDI, trong đó nhiều dự án lớn chọn TP. Thanh Hóa làm điểm đến. Chính quyền địa phương cũng liên tục triển khai các chính sách cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần tạo lập môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng và bền vững.
Kể từ ngày 1/7/2025, TP. Thanh Hóa sẽ chấm dứt hoạt động với tư cách là đơn vị hành chính cấp huyện. Ảnh minh họa
Trước thềm chuyển đổi mô hình quản lý theo quy định mới, TP. Thanh Hóa không chỉ khẳng định vai trò là trung tâm kinh tế – chính trị – văn hóa của tỉnh mà còn tạo dựng được hình ảnh một đô thị năng động, hội nhập, sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển mới với tầm nhìn dài hạn và bản sắc riêng biệt.
Danh xưng Thanh Hóa được các nhà khoa học xác định có từ năm 1029, căn cứ theo sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục: "Nhà Đinh và Nhà Lê gọi Thanh Hóa là Ái Châu; nhà Lý đổi làm trại, năm Thiên Thành thứ 2 đổi làm Thanh Hóa phủ". Thời Hậu Lê, vua Lê Thánh Tông cho đổi vùng đất này thành Thanh Hoa thừa tuyên. Đến thời nhà Nguyễn, năm Minh Mệnh năm thứ 12 (1831), cả nước được chia thành 30 tỉnh. Thanh Hoa trấn được gọi là tỉnh Thanh Hoa. Tuy nhiên, khi vua Thiệu Trị lên ngôi, tỉnh Thanh Hoa chỉ gọi chung là "tỉnh Thanh". Năm Quý Mão, niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 3 (1843), mùa thu tháng 7 cho đổi Thanh Hoa tỉnh thành Thanh Hóa tỉnh. Theo sách “Đại Nam thực lục”, việc đổi tên trở lại là Thanh Hóa vì vị vua nhà Nguyễn này xét đất Thanh Hóa là đất thang mộc, nơi phát tích nghìn muôn đời nên cũng phải xem xét lại, hơn nữa, “xét các sử sách của nước Nam, tỉnh Thanh đời cổ là Thanh Hoá. Vậy chuẩn cho lấy lại tên cổ, phàm các dấu quan phòng và ấn triện cũng đều đổi lại mà ban cấp”. Tên gọi Thanh Hóa ổn định từ đó đến nay. |
K.Hoàng (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)