Theo khoản 16, Điều 32 của Nghị định 168, cá nhân tự ý thay đổi kết cấu xe ô tô sai quy định sẽ bị phạt tiền từ 65 đến 75 triệu đồng, trong khi đó, mức phạt đối với tổ chức là chủ xe ô tô, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô là từ 130 đến 150 triệu đồng. Bên cạnh việc phạt tiền, chủ phương tiện vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức trừ điểm giấy phép lái xe.
Vậy, hành vi "tự ý thay đổi kết cấu xe ô tô sai quy định" được hiểu như thế nào? Nghị định 168 quy định rõ, chủ xe sẽ bị phạt nặng nếu thực hiện bất kỳ hành vi nào sau đây mà không được phép của cơ quan chức năng:
- Tự ý thay đổi tổng thành khung, tổng thành máy (động cơ).
- Tự ý thay đổi hệ thống phanh, hệ thống truyền động (truyền lực), hệ thống chuyển động.
Chủ xe tự ý thay đổi kết cấu xe ô tô sai quy định sẽ bị phạt tiền lên đến 150 triệu đồng (Ảnh minh hoạ)
- Tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế trong hồ sơ đã nộp cho cơ quan đăng ký xe.
- Tự ý cải tạo xe không đúng với thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
- Tự ý thay đổi tính năng sử dụng của xe.
- Tự ý lắp đặt thêm cơ cấu nâng hạ thùng xe, nâng hạ container trên xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).
Mức phạt mới này đánh dấu một sự thay đổi lớn so với quy định trước đây. Theo Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP), mức phạt cho hành vi này chỉ từ 6-8 triệu đồng đối với cá nhân và từ 12-16 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô. Sự điều chỉnh này cho thấy quyết tâm của các cơ quan chức năng trong việc siết chặt quản lý đối với các hành vi "độ" xe trái phép, đảm bảo an toàn giao thông và trật tự xã hội.
Ngoài hành vi thay đổi kết cấu xe, Nghị định 168 cũng điều chỉnh mức phạt đối với một số vi phạm khác liên quan đến việc "độ" xe. Theo khoản 7, Điều 32, hành vi tự ý thay đổi màu sơn của xe không đúng với màu sơn ghi trong chứng nhận đăng ký xe, lắp đặt, sử dụng thiết bị âm thanh, ánh sáng trên xe gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ… sẽ bị phạt từ 4-6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 8-12 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô.
(Ảnh minh hoạ)
Đối với xe máy, mức phạt cũng được điều chỉnh đáng kể. Chủ xe sẽ bị phạt từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với cá nhân và 1,6 - 2 triệu đồng đối với tổ chức nếu lắp đặt, sử dụng thiết bị âm thanh, ánh sáng trên xe gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Hành vi tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe mô tô, xe gắn máy cũng đối diện với mức phạt 4-6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 8-12 triệu đồng đối với tổ chức.
Ngoài ra, Nghị định 168 cũng quy định rõ mức phạt cho hành vi tự ý thay đổi nhãn hiệu, màu sơn của xe máy không đúng với chứng nhận đăng ký xe, với mức phạt từ 200.000 – 300.000 đồng đối với cá nhân và 400.000 – 600.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự.
Với những thay đổi đáng kể trong mức phạt và phạm vi điều chỉnh, Nghị định 168/2024/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, đồng thời hạn chế các hành vi "độ" xe trái phép, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên cả nước.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)