Hoàng đế lập quốc triều Minh của Trung Quốc – Chu Nguyên Chương, có tên khác là Chu Trọng Bát, thuở nhỏ gia đình khó khăn, để có được miếng cơm, từ nhỏ đã đi chăn trâu thuê cho địa chủ trong làng, sau này còn từng làm hòa thượng. Nhờ có cơ duyên trùng hợp, dưới sự giới thiệu, chỉ dẫn của bạn thân là Thang Hòa, Chu Nguyên Chương tới làm binh sĩ dưới trướng của Quách Tử Hưng, từ đó bắt đầu cuộc đời sáng lạn hào quang của mình.
Từ năm 1352, Chu Nguyên Chương chính thức gia nhập quân khởi nghĩa, trải qua 16 năm phấn đấu, lần lượt đánh bại những đối thủ như Trần Hữu Lượng, Trương Sĩ Thành và Phương Quốc Trân. Năm 1368, Chu Nguyên Chương chính thức xưng đế ở Nam Kinh, trở thành ông vua “nông dân” hiếm có trong lịch sử Trung Hoa. Năng lực và sức hút của Chu Nguyên Chương không còn gì để nghi ngờ nhưng lòng dạ ông lại không hề rộng lượng, tru diệt công thần chính là tội lớn nhất của ông.
Bề ngoài, Chu Nguyên Chương rất khiêm tốn, cho dù là sau khi lên ngôi vua, còn thường xuyên tự xưng là “Hoài Hữu Bố Y” (Hoài Hữu là quê hương của Chu Nguyên Chương, “bố y” là áo vải, ý nói chỉ là người tầm thường sinh ra trong làng quê nghèo mà thôi), thế nhưng lại không cho phép người khác nhắc tới chuyện xưa của ông. Vì từng làm ăn mày, hòa thượng, nhưng nếu các quan đại thần trong tấu sớ nhắc tới ăn mày, tăng nhân, hòa thượng thì sẽ bị ông làm khó, nặng còn có thể mất đầu, thậm chí là từ “trọc”, “hói” cũng không được phép xuất hiện trong tấu chương.
(Ảnh minh họa)
Từ đó có thể thấy, lòng tự tôn của Chu Nguyên Chương mạnh đến mức nào, nói cách khác, từ trong đáy lòng ông cảm thấy tự ti, khiến cho tính đa nghi trở nên nặng nề hơn. Các quan thần không ai là không sợ hãi, lo lắng, thậm chí những người xưng huynh đệ với Chu Nguyên Chương năm xưa như Tưởng Quân, Từ Đạt, Thang Hòa cũng phải sống rất rón rén, cẩn thận. Thế nhưng, có một bà lão lại dám chỉ thẳng mặt Chu Nguyên Chương mắng chửi, Chu Nguyên Chương không những không làm khó bà mà còn mời bà vào hoàng cung, rốt cuộc vì sao lại như vậy? Điều này trước tiên phải nhắc tới một người tên là Hàn Thành.
Trong “Minh sử” có ghi chép: “Hàn Thành, người Hào Châu cuối thời Nguyên, đầu thời Minh, là đồng hương của Chu Nguyên Chương, cũng là một trong những người đầu tiên đi theo Chu Nguyên Chương”. Hàn Thành dũng mãnh vô cùng, mỗi lần ra trận đều tiên phong lên trước, lập được vô số chiến công, liên tiếp chiếm đánh được những thành trì như Trấn Giang, Thường Châu.
Chính vì thế, ông được Chu Nguyên Chương trọng dụng vô cùng, nhanh chóng được bổ nhiệm làm Chỉ huy quân đội. Tới tháng 7 năm thứ 23 Chí Chính (niên hiệu cuối cùng của triều Nguyên), Trần Hữu Lượng đem 60 vạn quân tấn công tới, mục đích rất rõ ràng, chính là muốn dùng một đòn để đánh đổ Chu Nguyên Chương. Năm ấy, Chu Nguyên Chương chỉ có 20 vạn quân sĩ, mất ưu thế về mặt nhân lực, điều khiến ông thấy đau đầu hơn là đa số quân sĩ đều không quen thủy chiến, trong khi đó, thủy chiến lại là thế mạnh của Trần Hữu Lượng.
Tuy biết bản thân không có tỉ lệ thắng cao nhưng kẻ địch đã tới hồ Phan Dương, Chu Nguyên Chương không còn cách nào khác đành phải cắn răng quyết chiến. Không cầm cự được bao lâu thì chiến hạm của Chu Nguyên Chương đã bị quân địch bao vây, có thể nói là có mọc thêm cánh cũng khó thoát được, các binh sĩ xung quanh đều bó tay chịu chết. Chính trong thời khắc nguy cấp này, Hàn Thành đã đứng ra nói với Chu Nguyên Chương rằng: “Thần có diện mạo khá giống người, nếu có thể khoác áo mũ của người thì thần nguyện sẽ giả mạo thay thế người nghênh chiến”.
Chu Nguyên Chương cảm động vô cùng, lập tức cởi long bào ra đưa cho Hàn Thành đóng giả mình. Hàn Thành khoác long bào của Chu Nguyên Chương lên, đứng trên mũi thuyền, hô to với quân địch vài câu, sau đó nhảy xuống sông tự vẫn. Sử sách ghi lại: “Nhảy xuống sông tự vẫn trước mặt quân địch, chúng tưởng Thái tổ đã chết, thế là dần dần tản ra, không bao vây thuyền nữa mà quay về báo tin, Chu Nguyên Chương thừa cơ trốn thoát ra ngoài".
(Ảnh minh họa)
Nếu như không có Hàn Thành, Chu Nguyên Chương rất có khả năng đã mất mạng ở hồ Phan Dương, cũng sẽ không có triều Minh sau này. Thế nên, Hàn Thành hoàn toàn là một ân nhân cứu mạng của Chu Nguyên Chương, ân tình này to lớn tựa núi Thái Sơn. Sau khi đăng cơ lên ngôi vua, Chu Nguyên Chương đại phong công thần, có lẽ là vì quá nhiều việc nên đã quên mất Hàn Thành. Một ngày, Chu Nguyên Chương ngồi trên kiệu đi dạo phố, tiện thể xem xét tình hình cuộc sống của bách tính.
Trên đường đi, có một bà lão quần áo rách rưới đột nhiên xuất hiện, ngăn kiệu của Chu Nguyên Chương lại, đồng thời lớn giọng mắng chửi, nói Chu Nguyên Chương là đồ vong ân bội nghĩa, không xứng làm hoàng đế. Vốn dĩ thị vệ đã định bắt bà lại rồi xử lý ngay tại chỗ nhưng bà lão lại chẳng hề sợ hãi. Chu Nguyên Chương cảm thấy sự việc không hề đơn giản như vậy, ông bước ra khỏi kiệu, đích thân hỏi chuyện bà lão. Bà lão nói ra thân phận của mình, chính là mẹ ruột của Hàn Thành.
Chu Nguyên Chương đột nhiên sững người, nhớ tới Hàn Thành đã chết thay mình năm xưa, nhanh chóng xin lỗi tạ tội với bà lão, thành tâm mời bà vào hoàng cung. Sau đó, Chu Nguyên Chương truy phong Hàn Thành là Cao Dương Quận Hầu, lập con trai ông làm phò mã, còn xây dựng Trung Thần Miếu, Hàn Thành trở thành người đứng đầu trong 36 vị trung thần. Những hành động này của Chu Nguyên Chương khiến người ta phải cảm động, nếu Hàn Thành trên trời có linh thiêng có lẽ cũng sẽ cảm động mà rơi lệ.
Vũ Phong (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)