Sau khi Chu Nguyên Chương lập nên nhà Minh, ông đã thực hiện chiến dịch “bàn tay sắt”, triệt để chống nạn tham ô. Cách ông trừng phạt kẻ tham quan ô lại cũng vô cùng tàn nhẫn, có thể nói là “chưa từng có”.
Vị hoàng đế này đã đưa những quy định khắt khe như:
- Chu Nguyên Chương đưa ra quy định rằng, cứ tham ô 10 lượng bạc thì phại chịu hình phạt. Nếu tham ô từ 60 lượng bạc (khoảng 40 triệu VNĐ) trở lên thì người đó đã mắc phải đại tội.
- Các hình phạt dưới thời Chu Nguyên Chương rất tàn khốc. Cụ thể, tội nhẹ thì bị lưu đày, sung quân, tham nhũng nặng sẽ bị tử hình, thậm chí bị rút gân lột da, biến kẻ phạm tội thành bù nhìn đặt ở công đường. Trên thực tế có bao nhiêu người phạm tội thì sẽ có bấy nhiêu người chịu hình phạt.
- Dân chúng được phép tố cáo các quan tham. Nếu người nào bị phát hiện tham nhũng sẽ lập tức bị đưa đến nha phủ, hoặc áp giải trực tiếp lên kinh thành để chém đầu thị chúng. Đây là hình phạt rất nghiêm minh. Trong suốt 276 năm của nhà Minh, số tham quan bị giết vì tham ô đã lên tới 150 nghìn người.
Nhưng, khi nhà Thanh lên nắm quyền, thời Ung Chính làm Hoàng đế, ông chỉ áp dụng 2 chiêu mà đã giải quyết được tận gốc vấn đề. So với các phương pháp cứng rắn trước đây của Chu Nguyên Chương để trấn áp các quan chức tham nhũng, rõ ràng tuyệt chiêu của Ung Chính là văn minh hơn nhiều - ít nhất là nó nghe ít đẫm máu hơn.
Các chính sách quyết liệt của ông đã mở đường cho sự thịnh trị kéo dài gần 150 năm tiếp theo của nhà Thanh. Các sử gia nhận định, không có Ung Chính thì không có cái gọi là "Khang Càn thịnh thế". Để giải quyết vấn nạn tham nhũng đã tồn tại dai dẳng, hoàng đế Ung Chính quyết tâm diệt trừ hoàn toàn chỉ bằng 2 chiêu:
Ung Chính Đế cho thành lập các ban khâm sai gồm các đại thần từ trung ương hoặc các quan viên địa phương có năng lực đi kiểm tra các tỉnh, huyên. Tra ra quan viên nào có dính líu tham ô thì lập tức cách chức, thay thế bằng một thành viên trong ban khâm sai. Các quan viên bị cách chức thi nhau khai ra những người tiền nhiệm đã làm thâm hụt ngân khố, việc này đã làm hàng trăm quan viên bị cách chức. Thậm chí, những quan viên tuy đã từ nhiệm nhưng bị phát hiện có tham ô trong lúc tại vị cũng bị trừng phạt. Thời đó, tham quan khi bị phát hiện có tham ô thường hay tự sát để bảo toàn cho người nhà vẫn được hưởng phúc lợi, vì theo họ thì "họa không đến người nhà".
Nhưng Ung Chính thì quyết tâm chống tham nhũng đến cùng, quan viên tham ô đã tự sát thì nhà vua chẳng những tịch thu tài sản của chúng, mà ông còn bắt người nhà chúng phải làm việc lao dịch cả đời để trả nợ của ông cha, theo nhà vua làm như vậy là để cảnh tỉnh tham quan rằng nếu bị ông tra ra thì "con cháu đời sau cũng không ngóc lên được". Để ngăn chặn tham nhũng, Ung Chính cho bỏ đi những loại "phí trà nước" mà các quan viên thường dùng để bòn rút công quỹ.
Bên cạnh những biện pháp nghiêm ngặt, Ung Chính còn đặt ra "Dưỡng liêm ngân", một số tiền lớn lấy từ số dư hàng năm trong quốc khố để thưởng cho các quan. Tiền dưỡng liêm của huyện lệnh thất phẩm là từ 400 đến 2,000 lượng bạc, còn của một viên Tổng đốc là vào khoảng 10,800 lượng bạc, gấp 100 lần bổng lộc hằng năm. Những việc làm này của Ung Chính Đế đã cải thiện tình hình tài chính của đế quốc, thu nhập gia tăng, đến lúc ông mất ngân khố đã có tới 5,000 vạn lượng.
Dương Huyền (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)