Trong nhiều thế kỷ, Nhật Bản đã tự hào về tài năng của những người thợ thủ công, thợ mộc và thợ làm đồ gỗ. Vì vậy, bạn có thể ngạc nhiên khi thấy một số lâu đài, tòa nhà Nhật Bản có sàn gỗ cực kỳ ọp ẹp và kêu rên theo từng bước chân. Nhiều người nghĩ rằng, do công trình đã quá lâu đời, mối mọt ăn phải nên mới tạo ra những tiếng như vậy.
Song những tiếng ọp ẹp đó không phải vì chúng đã cũ mà đây được cho là một trong những dụng ý của người Nhật. Nói cách khác, chúng được phát ra từ một "hệ thống chống trộm" lâu đời nhằm chống lại bất cứ sự xâm nhập nào vào nhà.
Cách lắp đặt sàn nhà đặc biệt này được gọi là uguisubari và thường được nhắc đến trong các văn bản tiếng Anh với cái tên Nightingale floors (Sàn nhà chim họa mi).
Nguyên tắc hoạt động của loại sàn này nhờ vào cách sắp xếp các tấm ván gỗ được đặt trên một khuôn dầm hỗ trợ sao cho đủ an toàn để không bị xô lệch và vẫn lỏng lẻo để có thể phát ra âm thanh khi bước lên. Khi các tấm ván được chân người ép xuống, chúng sẽ chà xát vào móng dầm, tạo ra tiếng kêu cọt kẹt.
Chỉ cần một chuyển động nhỏ tác động trên mặt sàn thôi, những tiếng kêu phát ra sẽ đánh thức gia chủ. Điều này làm cho việc di chuyển lén lút trở nên vô cùng khó khăn, và do đó “sàn nhà chim họa mi” được sử dụng như một biện pháp đối phó với gián điệp, kẻ trộm và sát thủ. Bằng cách tính toán độ lớn của tiếng ồn và hướng phát ra, chúng thậm chí có thể được sử dụng để giúp xác định chính xác vị trí của kẻ gian.
Mặc dù vậy không phải ngôi nhà nào ở Nhật Bản cũng được lắp đặt loại sàn chống trộm trên. Chỉ ở một số nhà ở của các gia đình hoàng gia, chúng ta mới có thể bắt gặp loại sàn này.
Lâu đài Nijo của Kyoto, được xây dựng để làm nơi ở cho các tướng quân trong các chuyến thăm đến Kyoto, có lẽ là địa điểm sàn chim sơn ca được du khách quốc tế biết đến nhiều nhất, nhưng đây không phải là nơi duy nhất để xem hệ thống an ninh gia đình thông minh và cổ điển này.
Ngày nay, sàn Nightingale đã bị mai một do những công trình và hệ thống chống trộm ngày càng hiện đại. Thế nhưng, nhiều gia đình muốn tìm về với cội nguồn xưa mà không ngần ngại dựng lại các ngôi nhà bằng gỗ cũng như sử dụng sàn nhà này như một minh chứng cụ thể cho đôi tay khéo léo, tài hoa của thợ thủ công xứ sở hoa anh đào.
Dương Huyền (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)