Chợ Bến Thành từ lâu đã trở thành biểu tượng của Sài Gòn. Hoạt động từ năm 1914 đến nay, ngôi chợ hơn 100 tuổi này không chỉ là nơi mua bán sầm uất mà còn là chứng nhân lịch sử chứng kiến bao đổi thay thăng trầm của thành phố.
Chợ Bến Thành nguyên thủy xuất hiện từ cuối thế kỷ 18, nằm bên bờ kênh Lớn, nay là đường Nguyễn Huệ. Ban đầu, chính quyền thực dân đã xây dựng lại chợ với năm dãy nhà lồng lợp ngói đỏ, sắp xếp gọn gàng, khang trang nhưng vẫn mang dáng dấp của chợ nông thôn truyền thống.
Tuy nhiên, sau những sự cố hỏa hoạn năm 1870 và mưa bão năm 1904, chợ dần trở nên cũ kỹ, không còn đáp ứng được nhu cầu của một thành phố đang phát triển. Để khắc phục, chợ Bến Thành đã được "tái sinh" với quy mô hoành tráng hơn, kiên cố và hiện đại.
Trong vòng hai năm (1912-1914), từ một vùng đầm lầy nằm giữa các kênh rạch mới lấp thành đường, một ngôi chợ nguy nga với kiến trúc nhà lồng đã mọc lên. Lễ khánh thành chợ vào năm 1914 được báo chí thời đó gọi là "Tân Vương Hội" do tổ chức lớn (có bắn pháo bông), kéo dài trong 3 ngày với hơn 100.000 người tham dự.
Năm 1985, chợ Bến Thành được trùng tu theo quy mô lớn, trên tổng diện tích hơn 13.000m², mở 4 cửa chính và 12 cửa phụ ra bốn hướng. Phía trên cửa chính phía Nam có tháp đồng hồ 4 mặt.
Chợ có kiến trúc đặc biệt với 4 hướng cổng/cửa, mỗi cửa kinh doanh những mặt hàng riêng biệt. Cửa Nam (cổng chính) là các mặt hàng vải vóc, quần áo, thực phẩm khô. Cửa Bắc là bán thực phẩm tươi sống, hoa quả, trái cây. Cửa Ðông là thiên đường mỹ phẩm, bánh kẹo. Cửa Tây là nơi tập trung các gian hàng giày dép, hàng mỹ nghệ, đồ lưu niệm.
Năm 2013, chợ Bến Thành vinh dự được báo USA Today xếp vào danh sách 5 chợ tốt nhất thế giới. Chợ Bến Thành mang một bản sắc độc đáo, đóng vai trò quan trọng như một tụ điểm du lịch nổi bật của TP. Hồ Chí Minh. Xung quanh chợ là hệ thống khách sạn, khu vui chơi, và phố Tây sôi động, tất cả đều tập trung về đây như một trung tâm nhộn nhịp.
Chợ Bến Thành không chỉ là thiên đường mua sắm với đủ loại hàng hóa mà còn là điểm đến hấp dẫn để du khách khám phá văn hóa và hòa mình vào nhịp sống sôi động của người dân TP. Hồ Chí Minh. Đây là nơi mà cả khách du lịch lẫn người dân địa phương có thể cảm nhận rõ nét nhất sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại.
Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)