Ngày 29/3, TP HCM tổ chức lễ khởi công dự án cầu đi bộ qua sông Sài Gòn, kết nối công viên Bến Bạch Đằng (Quận 1) với công viên bờ sông Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức). Đây được coi là công trình trọng điểm nhằm chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).
Vị trí xây dựng cầu đi bộ qua sông Sài Gòn.
Công trình có tổng chiều dài 720m, chiều rộng 6m-11m. Đặc biệt, cầu có nhịp chính vượt sông dài 187m, độ tĩnh không thông thuyền đạt 80x10m.
Vị trí xây dựng cầu nằm giữa cầu Ba Son và hầm vượt sông Sài Gòn. Đầu cầu phía quận 1 sẽ nằm trong khu vực công viên bến Bạch Đằng, gần phố đi bộ Nguyễn Huệ, cầu phía TP Thủ Đức sẽ nằm tại công viên bờ sông Sài Gòn.
Khoảng cách từ mực nước cao nhất đến gầm cầu (tĩnh không thông thuyền) là 10m. Phía quận 1, cầu dẫn và ram dốc dài khoảng 285m, rộng 6m, còn phía TP Thủ Đức sẽ có hai nhánh dẫn dài 290m và 165m.
Phối cảnh cầu đi bộ.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood tài trợ toàn bộ chi phí mà không kèm điều kiện. Ban đầu, dự kiến khởi công trước ngày 30/4/2025 và hoàn thành vào năm 2026. Tuy nhiên, lễ khởi công được tổ chức sớm hơn một tháng so với kế hoạch ban đầu.
Công trình cầu đi bộ qua sông Sài Gòn có vị trí đặc biệt quan trọng, nằm tại khu vực trung tâm thành phố, với yêu cầu cao về thẩm mỹ. Để đảm bảo chất lượng thiết kế, UBND thành phố đã tổ chức cuộc thi tuyển kiến trúc quốc tế với sự hỗ trợ của CTCP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh (thuộc Tập đoàn Thaco Trường Hải).
Phương án được tuyển chọn là thiết kế của liên danh Chodai - Takashi Niwa và Chodai Kisojiban Việt Nam. Cây cầu mang dáng hình chiếc lá dừa, đây là biểu tượng văn hóa đặc trưng của Nam Bộ, với phong cách thiết kế giản dị nhưng ấn tượng, hòa quyện với cảnh quan hiện đại của TP HCM.
Dự kiến cầu đi bộ qua sông Sài Gòn sau khi hoàn thành.
Giám đốc Sở Giao thông công chánh TP HCM - Trần Quang Lâm chia sẻ, cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn được thiết kế kiến trúc dạng vòm thép không gian là lần đầu áp dụng tại Việt Nam. Đồng thời, đây là một trong những cầu đi bộ độc đáo nhất thế giới.
Công trình cầu đi bộ này được thiết kế không gian mở để tạo thông thoáng về tầm nhìn cho người đi bộ phía trên. Bên cạnh phục vụ người đi bộ, cầu còn có làn đường dành cho xe đạp và người khuyết tật. Cây cầu này cũng được thiết kế cho xe cứu thương trong những trường hợp khẩn cấp. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác vào năm 2026.
K.Hoàng (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)